Các chiến lược can thiệp tại nhà cho cha mẹ

Các chiến lược can thiệp tại nhà cho cha mẹ

05 CHIẾN LƯỢC CAN THIỆP TẠI NHÀ CHO CHA MẸ

Chiến lược can thiệp tại nhà thứ nhất: Giữ ngang tầm với trẻ 

Đây là một trong những chiến lược can thiệp tại nhà đơn giản nhất và cũng hữu ích nhất.

Tất cả những gì phải làm chỉ là bạn hãy ngồi xuống để mặt bạn ngang tầm nhìn của con bất cứ lúc nào có thể, với bất cứ hoạt động nào. Mỗi lúc đón được ánh mắt con nhìn vào mắt bạn, bạn hãy xem đó là một thành tích quan trọng, cho dù có thể lúc đầu nó rất ngắn. 

Nó thực sự quan trọng. Trẻ tự kỷ thường tránh giao tiếp mắt. Nếu cải thiện được giao tiếp mắt thì con sẽ tiến bộ nhiều, biết chú ý hơn, biết giao tiếp nhiều hơn, khả năng học hỏi nhanh hơn. Đây là kỹ năng nền tảng mà khi có nó, các kỹ năng khác tự phát triển đáng kể.

Trước đây, có đôi lần tôi thấy ở một vài nơi dạy trẻ, các cô lấy tay ép giữ hai bên má bé cho bé không cựa đầu được và cố nhìn vào mắt bé. Nhiều khi các cô sẽ quát giật giọng yêu cầu trẻ nhìn vào mắt mình. Các mẹ cũng bắt chước làm vậy với con.

Tôi khẳng định là hành động đó là cứng nhắc và rất ít hiệu quả. Giao tiếp mắt phải tự nhiên và phải tập dần dần đến thành phản xạ. Sẽ chỉ thực sự thành công khi bé chủ động tìm mắt mẹ để trao đổi một thông tin nào đó.

Ví dụ: Trước khi đi ngủ hoặc khi con vừa thức dậy, khi còn đang nằm, mẹ ngồi để mát xa cho con, đọc thơ, hát, kể chuyện… Con nằm ngửa nhìn vào mắt mẹ và mẹ biểu cảm phù hợp với các bài thơ bài hát.

Các tình huống hoạt động khác trong ngày cũng như vậy. Khi đưa cái gì cho con cũng đưa lại gần mắt, để mắt con chạm vào mắt bạn là lập tức mỉm cười, khen và đưa đồ vật cho con ngay. Khi vui chơi, mỗi lúc con tỏ ra thích thú cao độ, hãy đón ánh mắt con để truyền đi tín hiệu là bạn cũng đang vui thích lắm. Con sẽ dần quen với việc đó

Chiến lược can thiệp tại nhà thứ hai: luôn ngắn gọn, chậm rãi và rõ ràng

  • Nói với trẻ những câu ngắn và ít từ
  • Nói điều gì đó và đợi trẻ hồi đáp trong 10 giây (bạn đếm nhẩm từ 1 đến 10 để đợi con có phản ứng hồi đáp, chỉ cần con phản ứng bằng cử chỉ hay những âm không rõ nghĩa cũng được)
  • Sử dụng thêm hình ảnh để hỗ trợ nếu con chưa hiểu

Bạn sẽ làm được như hướng dẫn, và bạn có nhận ra điều gì khác biệt không? Đó chính là việc can thiệp ngôn ngữ trong thời gian đầu nhằm tới việc con HIỂU chứ không nhất thiết phải là con phải NÓI.

Hãy bắt đầu bằng việc bạn để con hiểu được ngôn ngữ trong tình huống cụ thể. Trong mọi sinh hoạt bình thường, bạn nói với con tên mọi thứ đồ vật, con vật một cách chậm rãi rõ ràng kèm động tác chỉ một cách tự nhiên: “cái CỐC đây này”, “con MÈO nằm kia”.

Đến một lúc nào đó hãy hỏi con: “MÈO đâu rồi?”, và chờ 10 giây. Nếu bạn thấy con từ từ quay đầu vào góc nhà nhìn xem con mèo nằm đâu, thì điều đó thật tuyệt vời! Nó thực sự có giá trị hơn nhiều việc con hát được cả chục bài hát có từ MÈO, vì hát phần lớn chỉ là nhại âm thôi.

Chiến lược can thiệp tại nhà thứ 3: Đưa ra sự lựa chọn và sắp đặt môi trường

Chiến lược thứ 3 có làm bạn bận rộn thêm một chút nhưng điều đó rất đáng làm. 

  • Luôn cho con được lựa chọn: ví dụ như chọn một trong hai hộp đồ chơi, chọn cái đĩa ăn màu xanh hay màu vàng, chọn cái áo nào để mặc, kể cả những hoạt động bé không thích nhưng khi được chọn thì có lẽ vẫn dễ nghe lời hơn (ví dụ con không muốn đi tắm, chúng ta không hỏi con muốn tắm hay muốn đi ngủ, mà hỏi con muốn tắm vòi sen hay tắm bồn? Tắm cùng con vịt hay là con cá đây?)
  • Sắp xếp đồ vật, đồ chơi và đồ ăn sao cho khi con muốn lấy thì phải hỏi hay nhờ giúp đỡ: đồ vật và đồ chơi yêu thích để trên kệ cao, đồ ăn đựng trong hộp đóng nắp khó mở…

Tất cả những điều trên nhằm để kích thích trẻ có tương tác với người lớn trong nhà, và tranh thủ tình huống ấy để phát triển ngôn ngữ và giao tiếp cho con. Nếu bạn đã quen với chiến lược này, bạn sẽ thấy bạn phát huy rất nhiều sáng tạo, và việc can thiệp cho con cũng không còn căng thẳng nữa. Con sẽ tiến bộ từ từ mà vững chắc. Sự tự tin của cả bạn và con cũng tăng dần lên.

Chiến lược can thiệp tại nhà thứ 4: Làm theo và tham gia 

Có nhiều phụ huynh mới lúng túng rất lâu với việc không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Trước tiên, bạn chỉ việc chơi cùng con và để con dẫn dắt. Bạn cứ việc để con tự chọn cái gì đó để chơi sau đó bạn tham gia cùng.

Dù bị tự kỷ thì con chúng ta cũng vẫn là đứa trẻ có sở thích, tính cách riêng của nó. Bạn hãy để con chơi và sau đó bạn từ từ nhập cuộc, chơi cùng con. Khi thấy con thoải mái để cho bạn tham gia, bạn hãy thử hướng dẫn con một vài cách chơi mới.

Tương tự như thế, trong mọi tình huống, bất cứ lúc nào có thời gian rảnh, mọi người trong gia đình nên chú ý Làm theo và Tham gia cùng con. Trẻ tự kỷ thường không biết chơi đồ chơi đúng cách, trẻ chơi rất đơn điệu. Cha mẹ có thể hướng dẫn cho con những cách chơi mới.

Chiến lược can thiệp tại nhà thứ 5: Chơi theo lượt 

Chiến lược thứ 5 đòi hỏi bố mẹ phải kiên trì một chút nhưng đến lúc thành công, con sẽ ít nổi giận hơn nhiều và dễ hòa nhập ở mọi nơi. Đó là dạy con chơi theo lượt.

Kỹ năng đợi đến lượt cực kỳ quan trọng trong cuộc sống mặc dù có khi bạn chẳng để ý đến nó. Đợi đến lượt không phải chỉ là lúc xếp hàng mua bán thứ gì, mà kể cả khi nói chuyện cũng cần phải đợi người khác nói xong mới bắt đầu nói. Rất nhiều công việc phải lần lượt, rất nhiều trò chơi cần có lượt chơi. Các nguyên tắc xã hội này bao giờ cũng khó khăn với trẻ tự kỷ.

Chiến lược can thiệp tại nhà thứ 6: Bắt chước

Trong chiến lược này, điều mà bạn có thể tập thành thói quen, đó là hưởng ứng một câu nói hay một hành động tốt nào của con bằng cách nhắc lại. Nếu con làm chưa tốt lắm thì bạn hoàn thiện hơn câu nói hoặc hành động đó. Khi con nói ra một từ, dù phát âm chưa chính xác lắm, bạn nhắc lại cho rõ hơn, nhưng không bắt con sửa ngay. 

Ví dụ con nói “con MÒE”, bạn tán thưởng: “Đúng rồi, con MÈO”. Tùy mức độ hiểu và tiếp nhận của con, bạn còn có thể mở rộng thêm: “Con mèo uống nước “, “Con mèo màu vàng”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *