Các loại rối loạn hệ thống tiền đình
Hệ thống tiền đình là sự kết nối giữa tai trong và não bộ của bạn xử lý các thông tin giác quan giúp bạn thăng bằng được so với trọng lực (ví dụ như khi nhỏm dậy khỏi giường, hoặc đi bộ trên đường gồ ghề, mấp mô). Bạn có thể nhớ có lúc mình đi trên đường mấp mô, người bạn chao đảo, tay vung lên bên này bên kia để giữ thăng bằng, đó là lúc hệ thống tiền đình hoạt động.
Là một giác quan, cảm giác về thăng bằng cũng có 2 loại rối loạn là trơ hoặc nhạy.
1.Trẻ có hệ tiền đình rối loạn nhạy:
Trẻ có hệ tiền đình rối loạn nhạy thường rất thận trọng với kể cả các vận động bình thường, thường tránh né các hoạt động nhanh, mạnh, thay đổi bất ngờ, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến bề mặt không bằng phẳng hoặc có độ cao khác nhau.
Trông những trẻ này cũng có vẻ vụng về. Trẻ cũng có thể có một số hành động lặp đi lặp lại như tự đu đưa nhè nhẹ, nhưng mục đích là để tự ổn định chứ không phải là tìm kiếm thêm thông tin giác quan.
2.Trẻ có hệ tiền đình rối loạn trơ
Trẻ có hệ tiền đình rối loạn trơ lại cần thật nhiều các cảm giác chuyển động hơn bình thường để cảm thấy thoải mái. Các biểu hiện thường thấy là những hành động xoay tròn, chạy vòng quanh, nhảy lên xuống và có thể là không hề sợ độ cao…
Hệ tiền đình trơ là kém cảm nhận, nên trẻ liên tục cần những chuyển động nhất định để tìm kiếm cảm nhận. Vì vậy những trẻ này thường trông lăng xăng, hoạt động quá mức, lúc nào cũng như thừa năng lượng. Tuy nhiên trẻ tăng động quá mức thì không chỉ có nguyên nhân từ rối loạn tiền đình trơ mà còn có thể có những nguyên nhân khác (sẽ có bài viết riêng về chủ đề tăng động sau).
Tuy nhiên việc tập các bài tập về tiền đình cần rất THẬN TRỌNG, và phải để ý các dấu hiệu QUÁ TẢI ở trẻ như trẻ khóc lóc, chống đối dữ dội khi tập, ngáp/nấc quá nhiều, thở không đều, sắc mặt thay đổi/nhợt nhạt, tăng bồn chồn, rối loạn giấc ngủ… Các bài tập, hoạt động liên quan đến hệ thống tiền đình càng không nên tập sát giờ ngủ để tránh kích thích quá gây khó ngủ.
Khi trẻ quá lăng xăng, việc bắt trẻ ngồi im một chỗ để học có thể không hiệu quả. Bên cạnh việc tập dần các bài tập điều hòa giác quan cho trẻ, bạn nên thiết kế các hoạt động chơi, học dựa trên việc vận động, như vậy sẽ dễ thu hút được sự chú ý và tham gia của trẻ hơn.
Rối loạn hệ thống tiền đình rất phức tạp, có thể có nhiều loại rối loạn, nguyên nhân, triệu chứng khác nhau. Bạn muốn tìm hiểu sâu hơn có thể gõ “vestibular disorders” sẽ tìm thấy rất nhiều thông tin, thậm chí có cả hiệp hội của những người rối loạn tiền đình. Khi rối loạn hệ thống tiền đình kết hợp với các rối loạn giác quan khác như thị giác, thính giác thì việc xử lý càng phức tạp hơn nữa.
Một hoạt động về tiền đình mà mình thấy khá hiệu quả là bài tập với ván thăng bằng. Có rất nhiều loại ván thăng bằng, với trẻ và ở giai đoạn đầu thì ta có thể dùng ván thăng bằng 2 bên. Bạn có thể cho trẻ tập thăng bằng 2 bên (đứng ngang), thăng bằng trước sau (đứng dọc chân trước chân sau).
Thời gian có thể 5-15 phút/ngày tùy từng trẻ và phải chú ý dấu hiệu quá tải (nếu có) của trẻ. Khi trẻ quen đứng trên ván thăng bằng rồi thì bạn kết hợp một hoạt động khác khi trẻ đang đứng trên đó, hoạt động chơi (như ném bắt bóng) hoặc hoạt động học (như ghép vần, cộng số…). Ván thăng bằng này mua qua mạng (amazon) thì hơi bé quá, còn to thế này không thấy bán. Bạn có thể đặt đóng (cao khoảng 10cm, bề mặt khoảng 60cm-80cm).