Cách xử lí các màn ăn vạ của con

CÁCH XỬ LÝ CÁC MÀN ĂN VẠ CỦA CON

Khi bước vào tuổi lên 2, lên 3, các con trải qua một loạt thay đổi về tâm lý, thể chất và bắt đầu thể hiện tính cách độc lập, quyền lực của mình. Mỗi khi không vừa ý điều gì, trẻ sẽ tung chiêu ăn vạ bằng những hành động như khóc lóc, cắn, cào, cấu xé, la hét… 

Nhiều cha mẹ xót con nên lập tức lao vào dỗ dành rồi đáp ứng mọi yêu cầu của con. Trong khi đó, một số lại lại không giữ được bình tĩnh quát mắng, thậm chí dùng roi để con nghe lời. Tuy nhiên, cả 2 cách này càng làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn. 

Vậy phải xử lý những cơn ăn vạ này như thế nào để con trở nên hợp tác hơn?

Sự bướng bỉnh và giận dữ (thuật ngữ tiếng Anh gọi là Tantrum) hay còn gọi là ăn vạ diễn ra khá thường xuyên ở trẻ nhỏ. Đôi lúc điều này đi đến quá đà với những biểu hiện mãnh liệt như: nằm lăn lộn xuống đất, khóc và hét lớn, bức tóc bức tai, dậm chân và đá đồ đạc, thậm chí cả cha mẹ của bé.

Vậy lý do gì khiến sự bướng bỉnh và giận dữ của trẻ đi quá đà?

Theo GS. Potegal M., ĐH Minnesota, Mỹ đã đưa ra 5 cấp độ của sự bướng bỉnh và giận dữ sẽ đi qua:

Cấp độ 1 – Giận dữ: Điều này cha mẹ có thể nhận ra thông qua tiếng hét/la rất lớn hoặc trút cơn giận dữ vào vật thể/bản thân/người khác. Tuy nhiên, thời gian nó diễn ra khá ngắn và chỉ dài khi có ai đó tác động vào cảm xúc này.

Cấp độ 2 – Giận dữ và buồn bã: Bắt đầu bằng sự mếu máo và khóc, giãy giụa giảm dần. Thời gian diễn ra khá dài, chiếm 40% tổng thời gian của sự bướng bỉnh và giận dữ

Cấp độ 3 – Đừng chạm tôi: Bắt đầu những biểu hiện giãy nảy lên khi bạn cố chạm vào bé hoặc dỗ dành bé. Thời gian diễn ra khá ngắn, chiếm 10% tổng thời gian của quá trình ăn vạ.

Cấp độ 4 – Tôi cần cái ôm: Bắt đầu với biểu hiện trẻ giảm đi những thái quá, nhìn ngó xung quanh, cơn khóc có thể vẫn còn, nhưng chịu khó nín khóc khi nghe ai đó nói đến bé. Thời gian này cũng khá ngắn, chỉ tầm 10%.

Cấp độ 5 – Hết giận: Não trẻ nhỏ khó có thể mang cơn giận giữ hơn 1 tiếng đồng hồ vì trẻ luôn trong trạng thái học hỏi cảm xúc. Bạn để ý trẻ sẽ quên và chơi lại món đồ đó hoặc bạn đó bình thường.

Quy luật của sự bướng bỉnh và giận dữ là gì?

Để có cách giải quyết cho những lần ăn vạ của bé thì cha mẹ phải hiểu quy luật của nó: 

Bất cứ tác động nào lên cấp độ 2 (VD dụ dỗ, đánh lừa, mua đồ chơi) để bé quên và chuyển sang cấp độ 5 thì ăn vạ lần sau sẽ mãnh liệt hơn và bạn phải dụ lớn hơn.

Tác động tốt nhất: Hãy để bé tự trải qua cấp độ 1, 2, 3 trong an toàn và điều này sẽ làm bé trưởng thành hơn trong cảm xúc, hãy tác động vào cấp độ 4 để bé tự nhiên trải qua cấp độ 5 là điều được khuyên.

Vậy, khi con ăn vạ thì cha mẹ cần phải làm gì?

Hãy cắt ngay nguồn năng lượng gây ra hành vi ăn vạ, đừng lo lắng khi con đang ăn vạ quá đà ở cấp độ 1,2 và 3. Bạn chỉ đơn thuần im lặng, và cất những món đồ, giải quyết tình huống gây ra sự ăn vạ của bé.

Bạn phải đủ cứng rắn và kiên nghị trong suốt thời gian hành vi ăn vạ diễn ra ở cấp độ 1,2 và 3.

Khi bé ở cấp độ 4, bạn có thể nói chuyện và đừng ngại dành cho bé cái ôm và tha thứ.

Con càng hét thì bố mẹ phải càng nhỏ nhẹ: Bố mẹ tuyệt đối không nên lớn tiếng quát nạt trẻ vì nó chỉ làm tăng thêm sự kích thích để trẻ ăn vạ thêm. Sự bình tĩnh và giọng nói nhỏ nhẹ của bố mẹ cũng phần nào giúp trẻ bình tĩnh trở lại.

Cho con sự lựa chọn: Khi trẻ ăn vạ, thay vì bắt ép trẻ làm theo ý mình thì cha mẹ hãy cho con cơ hội được lựa chọn. Có thể trẻ đang khá giận dữ vì bị ép buộc làm điều mình không muốn.

Nếu đang ở nơi công cộng thì giả vờ như đang ở nhà: Bố mẹ hãy cố gắng đánh lạc hướng con, làm như con đang ở nhà và không bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh đang nhìn theo dò xét để giúp con bình tĩnh hơn, bớt căng thẳng.

Kiểu gì cơn ăn vạ cũng sẽ qua đi nhưng cách cha mẹ ứng xử để làm ăn vạ qua đi sẽ mang lại một bài học lớn về cách sống, về kiểm soát cảm xúc, và cách điều chỉnh hành vi của con.

Đứa trẻ nào cũng ăn vạ, nhưng mà chúng trở thành người có nhân cách, người điềm tĩnh, người chín chắn, người biết thỏa thuận, người biết nghe phải quấy, người biết suy nghĩ trước sau về các hành vi của mình là do cách cha mẹ phản ứng.

Nguồn: CSV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *