Căng thẳng, lo âu, hoảng sợ với Trẻ tự kỷ
Stress (căng thẳng) xảy ra khi cơ thể gặp phải một kích thích, yếu tố tác động từ bên ngoài hoặc bên trong cơ thể vượt ngoài khả năng đối phó sẵn có của cơ thể.
Ví dụ:
Bạn đi qua đường, bạn tránh dễ dàng các xe đi theo làn mà bạn nhìn thấy trước. Chợt 1 xe máy nẹt bô ở đâu ra chạy sượt ngay qua trước mặt. Bạn giật mình, thở gấp, tim đập nhanh, đầu căng ra. Đó là lúc bạn stress. Vài phút sau (hoặc vài chục phút sau, tùy trạng thái sức khỏe mỗi người), bạn mới trở lại trạng thái bình thường được.
Ví dụ tệ hơn:
Bạn phải vượt qua đường cao tốc mà không có đèn giao thông, không có làn đường dành riêng. Bạn loay hoay bước lên rồi thụt lại giữa các làn ô tô đang chạy vèo vèo trước mặt, sau lưng, còi xe inh ỏi. Đứng ở đó bao lâu thì bạn sẽ stress bấy lâu. Stress càng lâu thì thời gian để bạn phục hồi lại trạng thái bình thường sau đó càng dài.
Vì lý do nào đó, bạn ngày nào cũng phải vượt qua đường cao tốc hàng tiếng thì stress trở thành stress kéo dài, kinh niên. Việc qua đường cao tốc sẽ trở thành nỗi ám ảnh với bạn, khiến bạn lo âu, hoảng sợ.
Thậm chí đôi khi đi trong phố nhỏ, nghe tiếng còi ô tô xa xa cũng đã đủ khiến bạn giật mình và đề phòng. Bạn chả bao giờ còn tâm trạng mà đi bộ thanh thản, ngắm đường phố, cửa hàng cửa hiệu.
Chưa ai giải thích được tại sao trẻ tự kỷ thường có rối loạn xử lý thông tin giác quan đi kèm, nhưng phần lớn trẻ tự kỷ đều có rối loạn này. Các thông tin giác quan đầu vào quá khả năng tiếp nhận, xử lý hiện tại của cơ thể sẽ dẫn đến stress cho trẻ.
Vì vậy những trẻ có rối loạn xử lý thông tin giác quan (gọi vắn tắt là rối loạn giác quan) thì cơ thể đã luôn trong trạng thái căng thẳng.
Bất kỳ thông tin nào hướng tới trẻ (dạy, hướng dẫn, chơi, tập…) đều là các thông tin đầu vào bổ sung. Nếu cách đưa các thông tin này vào nằm trong khó khăn xử lý thông tin hiện có của trẻ thì trạng thái căng thẳng tiếp tục được nâng lên, nâng lên mãi cho tới lúc thành sự hoảng sợ, đề phòng với các thông tin bổ sung.
Khi sự đề phòng đã cao thì bất kỳ thông tin gì mới, dù cho có phù hợp với khả năng của trẻ, cũng bị trẻ từ chối hoặc chậm chấp nhận, tiếp thu.
Bạn chỉ có thể thoải mái qua đường cao tốc hơn khi bạn biết lúc nào thì xe làn nào được đi. Đó là khi bạn thấy rằng bạn kiểm soát được môi trường. Trẻ tự kỷ cũng vậy. Nhu cầu kiểm soát môi trường xung quanh là nhu cầu rất lớn đối với trẻ. Kiểm soát được môi trường là khi biết mình làm cái này chắc chắn sẽ dẫn đến kết quả kia, hoặc khi mọi sắp xếp trong môi trường là ổn định và quen thuộc.
Các bạn có lẽ đã gặp không ít các trường hợp trẻ có những thói quen lặp đi lặp lại, cứng nhắc, hay lặp đi lặp lại vài câu hỏi dù đã biết rõ câu trả lời, hoặc đến nhà/ chỗ lạ là phải chạy đi xem tất cả các phòng… Tất nhiên những biểu hiện trên đây có thể còn có lý do khác tùy từng trẻ. Cảm giác kiểm soát được môi trường cũng là động lực lớn để trẻ có thể thể hiện nhu cầu, phát triển ngôn ngữ lời nói.
Mỗi trẻ có những rối loạn giác quan khác nhau. Mỗi rối loạn giác quan lại có những mức độ khác nhau. Ngưỡng chịu đựng căng thẳng trước khi tăng lên thành lo âu hoảng sợ, thậm chí sang chấn tâm lý của mỗi trẻ cũng khác nhau tùy vào sức khỏe thể chất và tinh thần, tâm lý của trẻ. Do đó, hiểu những khó khăn cũng như trạng thái luôn căng thẳng của trẻ là bước đầu tiên để bạn xác định cách tiếp cận, làm việc với trẻ sao cho trẻ thoải mái, tin tưởng và cởi mở để tương tác và học tập.
Nguồn tham khảo:
- (Giáo trình Phản xạ và Stress hormones, Masgutova, S. và Tự kỷ: Giải nghĩa câu đố, Frith, U.)
- (Chia sẻ lại bài viết của chị Ngoc Pham năm 2016)