“Bé trai nhà em 4 tuổi, dạo này rất thích nghịch chim, có khi mẹ mặc váy là chui vào giữa chân để ngó xem có gì”.
“Con em 5 tuổi, mỗi lúc ngủ dậy chim cò cũng dậy theo, nhóc hỏi mẹ: “Mẹ ơi sao chim con nó dài ra?”, em bảo: “Do con mắc tiểu đó, đi vệ sinh đi, rồi “bạn” khắc nằm xuống”. Thấy ảnh hay tìm cách đụng vào cái của ảnh rồi cười hì hì, em bảo đừng sờ vậy, nó dài ra rồi… rụng luôn ấy và đọc truyện để xua tan sự chú ý xuống hạ bộ. Thế là ảnh bỏ được vụ tự tắm mà cười, được cái sáng sớm “nó” bừng bừng trỗi dậy thì không đụng vô nữa”
“Con nhà em học lớp 2 vô tình xem được clip sex khi chơi iPad. Đến lớp biết giả vờ đánh rơi đồ để nhìn vào váy các bạn gái. Sờ và tự nghịch cậu nhỏ của mình, hễ cứ có cảm hứng là không kìm chế được. Có phải dậy thì sớm hay do bắt chước?”,…
Xử lý trong mấy nốt nhạc
Thật ra các bé tiểu học rất trong sáng! Chuyện đó chỉ như trò chơi “Em yêu khoa học” mà thôi, Nhu Chung – một “phụ huynh” tôi quen biết nhận định như vậy.
Cô kể, có lần cậu con trai mách mẹ “con voi” của con “trồng chuối” rất lâu, giống tư thế “headstand” trong yoga của mẹ ấy, con lấy tay đẩy mà nó không ngã. Khi mẹ hỏi: “Nó có hay vậy không? Tự nhiên hay do con tác động?”, cậu đáp: “Do cả 2 luôn! Khi con mắc tè và khi con tè, à, cả khi con nghịch nó nữa” (chẳng là có lần cậu vừa xem TV vừa tiện tay xoay “vòi voi”, lát sau thì nó to ra, dựng lên như “tập yoga”)
Mẹ giảng giải: Đó là hiện tượng bơm máu đến nơi cơ thể được kích thích nhiều và liên tục. Không sao, chỉ là việc bình thường nhưng con không nên làm vậy, khiến “bạn voi” mệt và mỏi. Mẹ sẽ mua trái banh mini màu xanh cốm con yêu để con xoay banh thay vì xoay voi nhé! Con cũng không nên nín tiểu, hễ buồn là phải đi tè, cái gì tự đến sẽ tự đi, con yên tâm!
Nhờ chuyện trò thoải mái với mẹ mà khi tắm rửa, cậu trai biết vệ sinh “bạn voi” nên không có chuyện bị ngứa ngáy. Cậu còn biết tên khoa học của từng bộ phận và chức năng của chúng, cách mặc quần chip có “cửa sổ” phù hợp với lứa tuổi lên 8 và giặt phơi mỗi ngày, thậm chí biết xếp “voi” đúng cách như người lớn.
Những bậc phụ huynh hiểu chuyện như thế không nhiều.
Vài lời khuyên
Thật ra chuyện “nghịch voi” xảy ra ở mọi lứa tuổi!
Xin nhắc lại: đây được coi là hành vi bình thường ở trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo (khoảng 1/3 số trẻ em ở độ tuổi này tò mò, khám phá, yêu thích cơ thể mình). Trẻ nghịch “vòi voi” không phải là 1 hành động tội lỗi, đáng xấu hổ, lệch lạc tình dục.
Chỉ coi là bất thường nếu trẻ tự làm mình đau, lộ liễu, thái quá, đi kèm với rối loạn cảm xúc.
Có trẻ mỗi khi lo lắng, hồi hộp, bất an thường sờ tay xuống dưới rốn. Việc chơi với bộ phận sinh dục có thể gây phiền phức như dễ viêm nhiễm hoặc tạo hình ảnh không hay nơi công cộng, thậm chí một số bé tỏ ra hứng thú khi sờ bộ phận sinh dục của bạn khác. Đây là đối tượng dễ bị quấy rối nhất trong nhóm trẻ dưới 12 tuổi.
Người lớn có lúc vô tình là “kẻ gian” khi đùa giỡn với “vòi voi” của bé trai qua lời nói đùa vô thưởng vô phạt, thậm chí dọa dẫm (“tè dầm là mẹ cắt chim nghe không?”, “chim bay mất rồi”, “cởi truồng là chuột tha chim đó nha”,…), qua những cử chỉ chọc ghẹo “nựng”, “đánh yêu”, “đùa nhả”,…
• Ngay từ nhỏ, trẻ cần được dạy các bộ phận cơ thể từ “đỉnh đầu” đến “ngón chân”, trong đó vùng sinh dục là “riêng tư” và cần được tôn trọng (đó là lý do tại sao khi vào phòng tắm hoặc thay quần áo cần đóng cửa), cách tự đi tiêu tiểu, sử dụng các vật dụng trong nhà vệ sinh như thế nào và quy trình đúng ra sao (cách dùng giấy vệ sinh, bé gái luôn phải lau vùng kín từ trước ra sau để tránh viêm nhiễm, bé trai không lấy tay nghịch bộ phận sinh dục), cách thay-mặc đồ lót hàng ngày.
• Tuổi mẫu giáo: dạy con nhận biết sự khác biệt giữa trai và gái: quần áo không giống nhau, chỗ đi tiểu không giống nhau (trai có “mẩu cây” con gái thì không, do bộ phận của nữ nằm bên trong nên không nhìn thấy), nữ có thể tiết sữa (chúng ta ai chẳng bú mẹ), qua đó các bé nhận thức được về vai trò giới, thiết lập ý thức tự bảo vệ mình. Đừng sợ con lấm bẩn, ngã, bị thương… mà cấm con hoạt động. Năng lượng dư thừa không biết xả đi đâu cộng với suốt ngày gò bó ít trò vui là nguyên nhân trẻ tìm đến việc tự “khám phá” bản thân.
• Hướng chú ý của con vào việc tô màu, vẽ tranh, chơi theo nhóm, bận rộn tay chân, giúp việc nhà,…
• Đừng nói với trẻ “nghịch voi” là bẩn, xấu và sai. Vậy khác nào bảo cơ thể bé, cơ quan sinh dục là xấu, bẩn, sai!
• Trẻ cấp 1 cần biết về tuổi dậy thì trước khi nó đến.
Có thể tạo ra một sự khác biệt rất lớn trong tương lai của con mình, bằng cách nói chuyện tình cảm với con theo từng độ tuổi, với nguyên tắc kiên nhẫn và cởi mở. Mong sao người lớn đừng quá lo lắng làm mất tính hồn nhiên của trẻ!
Bs Nguyễn Lan Hải.
Mời bạn tham gia Group Thắp đèn xanh – Đồng hành cùng trẻ Tự kỷ để thảo luận, chia sẻ và đồng hành cùng các trẻ Tự kỷ nhé!