Đặc điểm phương pháp hoạt động Tâm Vận động Bernard Aucouturier (2)

Đặc điểm quan trọng nhất của hoạt động tâm vận động là nhằm thiết lập quan hệ tiếp xúc và trao đổi với người khác, trẻ bắt đầu sử dụng cơ thể của mình. Trẻ cảm nghiệm, trước khi có khả năng vận dụng một cách có ý thức những khả năng và sinh hoạt khác.

Trẻ cử động, vùng vẫy, chạy nhảy, để có cảm giác là mình đang sống thật sự, và đồng thời cảm nhận trong cơ thể của mình niềm vui thích, hứng thú, hăng say và hồ hởi. Nếu không đi qua giai đoạn vận động, không tìm cách thay đổi những tư thế của cơ thể, hay là không thực hiện nhiều tư thế khác nhau, làm sao một trẻ em có thể cảm nghiệm, thừa hưởng hay là làm phát sinh trong con người của mình những cảm xúc sung sướng, hạnh phúc và vui tươi?

“Bằng phương tiện vận động, trẻ em bộc lộ ra bên ngoài chính cuộc sống nội tâm của mình cho đến khi ngôn ngữ xuất hiện, để đảm nhận công việc diễn tả những nhu cầu và ý thích có mặt trong nội tâm”.

Nhờ được vận động chúng ta đã tạo những điều kiện thuận lợi, để ngôn ngữ, tư duy của trẻ có điều kiện xuất hiện và phát triển một cách dễ dàng.

Đồng thời chính đời sống xúc động và tình cảm của các em cũng được giải tỏa, một cách hài hoà, thư thái, cởi mở.

Bốn thành tố khác nhau của sinh hoạt tâm lý là: trí tuệ, quan hệ tiếp xúc, tình cảm và vận động, có những liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại hai chiều, tạo ảnh hưởng giao thoa, chằng chịt và chồng chéo lên nhau. Khi một yếu tố đang vươn lên và tăng trưởng, tự khắc nó kéo theo ba yếu tố khác cũng đồng thời phát huy và tiến bộ.

a. Tâm vận động trị liệu hành vi:

Trị liệu hành vi đối với ADHD, tự kỷ, CPTTT là điều quan trọng bởi vì nhiều lý do:

Đầu tiên, trẻ có ADHD, tự kỷ gặp khó khăn trong đời sống hàng ngày do bởi sự thiếu chú ý, tăng hoạt động và tính cẩu thả bốc đồng của trẻ, những vấn đề này bao gồm: học tập kém, các hành vi ở trường học, mối quan hệ kém với bạn bè hay anh chị em trong gia đình, không tuân thủ những yêu cầu của người lớn, mối quan hệ với cha mẹ kém.

Trị liệu hành vi nhằm giúp cha mẹ và thầy cô những kỹ năng để họ có thể đối diện được với trẻ có ADHD, tự kỷ. Thầy cô và cha mẹ cũng dạy những kỹ năng cho trẻ nhằm giúp trẻ vượt qua được những suy kém của chính trẻ. Học tập những kỹ năng này là điều đặc biệt hữu ích bởi vì ADHD, tự kỷ là một tình trạng mãn tính, những kỹ năng này sẽ hữu ích trong suốt cuộc sống của trẻ. Trị liệu hành vi nên được thực hiện sớm ngay sau khi có chẩn đoán. Trị liệu sớm sẽ cho kết quả tốt hơn là khởi đầu trễ.

 b. Trị liệu cảm xúc:

Cảm xúc của trẻ thể hiện qua gương mặt, cách biểu hiện qua hoạt động chơi. Qua đó chúng ta nhận ra trẻ có những cảm xúc: vui, buồn, nhút nhát, lo sợ, phấn khích, không tự tin với bản thân mình và người khác. Từ đó khi người giáo viên hoặc chuyên viên đã thấy được hạn chế, nguyên nhân của sự hạn chế về mặt cảm xúc trong tâm lý trẻ, đưa ra đường hướng phù hợp trong việc trị liệu, điều chỉnh cảm xúc cho trẻ. Điển hình như: khi trẻ vui thì trẻ biểu hiện ra việc gì làm trẻ vui và vui như thế nào, niềm vui đó cũng được giới hạn không phấn khích quá mức. Trẻ hiểu được sự hiện diện của bản thân mình trong cuộc sống, tin tưởng ở bản thân mình và người khác, không chỉ chúng ta nắm bắt được sự vui, buồn hoặc cảm xúc thay đổi của trẻ mà chúng ta phải hòa chính bản thân vào những suy nghĩ, những thay đổi cung bậc cảm xúc của trẻ.

 c. Trị liệu khó khăn ngôn ngữ:

Thông qua tâm vận động, trẻ vui vẻ hứng thú, phấn khích, trẻ có nhu cầu giao tiếp, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển ngôn ngữ lời nói.Thông qua Tâm Vận động giáo viên dễ dàng cung cấp vốn từ và câu cho trẻ. Nhất là vốn từ cơ thể và các mối quan hệ giữa trẻ, bạn và giáo viên.

Giờ tâm vận động đặc biệt hiệu quả đối với trẻ ADHD, Tự kỷ ở giai đoạn chưa có ngôn ngữ lời nói.

Ở bài viết này chúng tôi đề cập đến những đặc điểm chính của phương pháp dựa theo kết quả của nhà nghiên cứu Bernard Aucouturier. Bài viết tới chúng tôi sẽ đề cập một số bài tập tâm vận động áp dụng dựa trên phương pháp tâm vận động. Vậy quý phụ huynh hãy theo dõi để nhận được những bài tập hướng dẫn chúng tôi đưa tới nhé.

Tài liệu tham khảo

  1. Anzieu D. (1985), Le Moi-peau, Dunod, Paris.
  2. B. AUCOUTURIER (2005), La méthode Aucouturier : Fantasmes d’action et pratique psychomotrice (Phương pháp Aucouturier : Những huyễn tưởng của hành động và Thực hành Tâm vận động), De Boeck
  3.  EBPPA, Tài liệu huấn luyện Phương pháp Tâm vận động Aucouturier, Can thiệp tâm vận động nhóm, cá nhân và giáo dục phòng ngừa, Lưu hành nội bộ
  4. D.W. WINNICOTT (1971), Jeu et réalité, Gallimard : Paris
  5. F. SELMI, Tâm vận động: Từ khái niệm đến thực hành, Tài liệu tập huấn Phương pháp Tâm vận động cho giáo viên chuyên biệt tại Trung tâm Thiên Phước, Quận 12, Tp.HCM vào tháng 3/2015.
  6. N. HUART (2001), La Pratique Psychomotrice de Bernard Aucouturier, Ker Xaleyi, Sénégal.
  1. Huart; Nguyễn Văn Thành chuyển ngữ (2002), Phương pháp Tâm vận động của Bernard Aucouturier.
  2. Wallon Henri (1959), Kinesthésie et image visuelle du corps propre chez l’enfant, Enfance, tome 12 n 3-4, pp. 252-263.
  3. S. BEKIER  (2014), Tâm vận động đồng hành cùng rối loạn phát triển ở trẻ em, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế: “Nhận diện, Đánh giá, Can thiệp các rối loạn chuyên biệt trong học tập”, Khoa Tâm lý học, Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam và Word Human Futur đồng tổ chức, NXB ĐHQG Tp.HCM.
  4. Bài viết của ThS.NCS. Lê Thị Mai Liên

Mời bạn tham gia Group Thắp đèn xanh – Đồng hành cùng trẻ Tự kỷ để thảo luận, chia sẻ và đồng hành cùng các trẻ Tự kỷ!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *