Dấu hiệu của trẻ Tự kỉ

Dấu hiệu của trẻ ASD

Trung tâm phòng chống dịch bệnh của Mỹ công bố tỷ lệ có rối loạn phổ tự kỷ là 1/54 trẻ và trẻ trai mắc tự kỷ gấp từ 4 -5 lần so với trẻ gái.. Những nghiên cứu ở Châu Á, Châu Âu, và Bắc Mỹ chỉ ra tỉ lệ người mắc rối loạn phổ tự kỷ có tỉ lệ trung bình là 1% dân số. Nghiên cứu ở Hàn Quốc báo cáo tỉ lệ này lên tới 2.6% dân số. Tự kỷ ở trẻ nam (1 trong 42) cao gấp 5 lần trẻ nữ (1 trong 189).

Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào về tỉ lệ trẻ tự kỉ trong toàn quốc, nhưng số trẻ được chẩn đoán tự kỷ ngày càng tăng lên . Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ được chẩn đoán tự kỷ trong các năm là: 2008: 450 trẻ, 2009: 963 trẻ, 2010: 1792 trẻ. Trong một nghiên cứu tiến hành năm 2017, tỷ lệ mắc Rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em trong độ tuổi 18 – 30 tháng ở miền bắc Việt Nam là 0,752% hay 75,2 trẻ trên 10.000 trẻ em

Nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000-2007 cho thấy số trẻ tự kỷ đến điều trị năm 2007 tăng gấp 33 lần so với năm 2000 và xu thế mắc tự kỷ tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004 đến 2007 so với năm 2000.

Theo dự án chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật của tổ chức NGO Plan: Tại một huyện của Hà Nội trong tổng số 733 trẻ khuyết tật được phát hiện thì có tới 512 trẻ khuyết tật phát triển, trẻ tự kỷ chiếm 10%.

Dấu hiệu bên ngoài để phát hiện trẻ tự kỷ

Nếu con của bạn có một số dấu hiệu dưới đây, trẻ có thể có nguy cơ tự kỷ:

  • Chưa biết cười lớn hoặc thể hiện vui mừng khi 6 tháng tuổi.
  • Chưa biết đáp ứng qua lại với lời nói, âm thanh, cười hoặc những biểu cảm khác trên khuôn mặt khi 9 tháng.
  • Chưa biết bập bẹ khi 12 tháng.
  • Chưa biết sử dụng các điệu bộ như chỉ, cho xem, với, vẫy tay khi 12 tháng.
  • Chưa phát âm được từ nào lúc 16 tháng.
  • Chưa biết nói (kể cả nhại lại, bắt chước) cụm hai từ lúc 24 tháng.
  • Bị giảm bớt khả năng nói, bập bẹ hoặc kỹ năng xã hội ở bất cứ lứa tuổi nào.

Các vấn đề mà trẻ tự kỷ gặp phải

Những dấu hiệu này xuất hiện ở nhiều trẻ tự kỷ, tuy vậy không phải trẻ nào cũng có tất cả những biểu hiện này.

Trẻ tự kỷ có những khiếm khuyết ở 2 lĩnh vực chính là giao tiếp xã hội và hành vi khác thường.

Giao tiếp xã hội

Giao tiếp xã hội không chỉ giới hạn trong việc biết nói, mà bao gồm khả năng thể hiện cả ngôn ngữ nói cũng như ngôn ngữ cơ thể (như nét mặt, cử chỉ) để cho người khác biết điều chúng ta muốn, cảm xúc, mối quan tâm.

Người tự kỷ có khó khăn trong giao tiếp xã hội, thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau như sau:

  • Khó khăn trong việc bắt đầu hoặc đáp lại các tương tác xã hội, chia sẻ quan tâm, trò chuyện qua lại, hoặc thể hiện cảm xúc.
  • Thể hiện hoặc đáp ứng lại với các hành vi giao tiếp không lời, bao gồm tương tác mắt, ngôn ngữ cơ thể.
  • Xây dựng hoặc duy trì các mối quan hệ với người khác phù hợp với mức độ phát triển của trẻ/người tự kỷ.

Một số dấu hiệu của trẻ tự kỷ khó khăn giao tiếp xã hội:

  • Có sự chậm trễ về ngôn ngữ: không nói được âm đơn khi 1 tuổi, không nói được từ có hai âm tiết khi 16 tháng tuổi. Có thể mất kỹ năng nói ở bất cứ tuổi nào (thoái triển).
  • Nhại lời: Trẻ nhắc lại các từ hoặc cụm từ mà trẻ nghe được.
  • Không giao tiếp mắt nhìn mắt với người khác.
  • Không tỏ ra quan tâm đến mọi người, ngay cả với bố mẹ, người chăm sóc.
  • Ít tỏ ra muốn hoặc không chia sẻ đồ chơi với bạn bè cùng lứa tuổi.
  • Không hiểu những biểu cảm nét mặt hoặc giọng nói.
  • Không có hoặc ít có đáp ứng khi người khác gọi tên trẻ.
  • Không biết sử dụng những cử chỉ thông thường như vẫy tay tạm biệt, gật đầu, lắc đầu, chỉ trỏ…
  • Không biết chơi giả vờ (ví dụ không biết cho búp bê ăn).
  • Không hiểu cách nói đùa, nói bóng gió.

Hành vi khác thường

Là những hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại. Phần lớn trong số các hành vi, quan tâm này của trẻ tự kỷ có vẻ không phù hợp và không có ý nghĩa (về mặt chức năng), tuy nhiên, trẻ tự kỷ lại có thể thấy vui vẻ hoặc cảm thấy bình tĩnh, thoải mái hơn khi thực hiện những hành vi này. 

  • Trẻ tự kỷ thường có xu hướng rất thích các chuyển động lặp lại, như quay tròn, lắc lư, hoặc vẫy tay trước mặt…Chơi với đồ chơi và đồ vật một cách lặp lại, khác thường, ví dụ như: xoay bánh xe, xếp đồ vật thành hàng dài… Không biết chơi tưởng tượng, chơi luân phiên như trẻ bình thường.
  • Trẻ có thói quen sinh hoạt rất nghiêm túc và thiếu linh hoạt, ví dụ chỉ ăn một số loại thức ăn, mặc quần áo theo đúng một cách nhất định và đi học đúng một con đường. Một thay đổi nhỏ trong thói quen cũng gây khó khăn cho trẻ.
  • Có mối quan tâm hạn hẹp, ví dụ như chỉ quan tâm đến khủng long.
  • Rối loạn giác quan: Một số trẻ quá nhạy cảm với môi trường xung quanh, ví dụ như nhạy cảm với tiếng ồn như một loại nhạc quảng cáo nào đó, tiếng đèn ống kêu u u, tiếng máy cắt cỏ, máy cắt tóc, nhạy cảm với ánh sáng, mùi, không thích được ôm và âu yếm hay cảm thấy khó chịu, đau khi tiếp xúc với bề mặt chất liệu nào đó. Ngược lại, một số trẻ có ít nhạy cảm với môi trường xung quanh, vì thế trẻ thường có các biểu hiện tìm kiếm cảm giác như thích được ôm chặt hoặc ôm chặt người khác, hoặc không biết đau khi bị đau.

Thay vì cố gắng ngăn, cấm trẻ thực hiện các hành vi này, chúng ta cần hiểu và cân nhắc điều chỉnh, hoặc sử dụng các hành vi này trong chương trình can thiệp cho trẻ. Khi được can thiệp, một số biểu hiện có thể mất đi nhưng những khiếm khuyết cơ bản của tự kỷ thì vẫn tồn tại.

Khó khăn của cha mẹ 

Căng thẳng và buồn bã

Cha mẹ của trẻ tự kỷ đôi khi gặp cảm giác “choáng ngợp, tội lỗi, bối rối, tức giận hoặc trầm cảm.” Cha mẹ rất buồn bã, đặc biệt là khi biết rằng con của họ sẽ không thể trải nghiệm cuộc sống như những đứa trẻ khác, có thể có cảm giác mất mát, cả tương lai của đứa trẻ và hy vọng và kỳ vọng của chính họ. 

Căng thẳng cũng là cảm giác cha mẹ phải trải qua khi làm các công việc gia đình, chăm sóc trẻ tự kỷ. Cha mẹ tức giận khi cảm thấy rằng họ không nhận được sự giúp đỡ, chẳng hạn như từ nửa kia hoặc từ gia đình, từ các nhóm hỗ trợ. Và sự bất lực đó khiến họ trở nên giận dữ với trẻ khi trẻ hành xử bất thường.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng các thành viên khác trong gia đình có trẻ mắc chứng tự kỷ cũng phải đối mặt với chứng trầm cảm. Người ta cũng nghiên cứu rằng việc có một đứa trẻ bị ASD cũng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hoặc bầu không khí trong gia đình.

Sự kỳ thị 

Cha mẹ thất vọng khi người ngoài đánh giá phiến diện và bất công đối với con họ cũng như đổ lỗi cho họ và coi thường công sức của họ. 

Sự kỳ thị thậm chí còn có thể gây nên chứng trầm cảm của người mẹ bởi mẹ thường gắn bó, chăm sóc con nhiều hơn và thương con rất nhiều.

Thiếu kiến thức

Nhiều cha mẹ vẫn chưa nhận thức được về tự kỷ, do đó dẫn đến tình trạng tiêu cực và bực bội, bất lực trước tình trạng của con. Cha mẹ thất vọng và bực bội khi thấy con mình vụng về, không biết phản ứng, tức giận hoặc không nhanh nhạy bằng những đứa trẻ đó.

Cha mẹ không tham vấn ý kiến của chuyên gia và tự ý sử dụng các biện pháp của mình cũng một phần khiến cho việc đối mặt với tình trạng bệnh lý của con ngày càng khó khăn hơn. 

Về tài chính

Trong một nghiên cứu đã chỉ ra rằng chứng tự kỷ ở trẻ em có liên quan đến sự mất mát lớn về thu nhập hàng năm của hộ gia đình và một nghiên cứu khác cũng xác nhận rằng việc chăm sóc trẻ em mắc ASD là một vấn đề tốn kém. Đối với trường hợp trẻ mắc chứng tự kỷ, cha mẹ phải chi trả các chi phí liên quan trực tiếp đến việc giáo dục và chăm sóc trẻ tự kỷ/ 

Về hoạt động thường ngày

Có đến một nửa số trẻ mắc ASD gặp phải các vấn đề về hành vi. Đứa trẻ có thể nổi cơn thịnh nộ, trở nên hung dữ, tự gây thương tích và từ chối thực hiện các yêu cầu của cha mẹ. Điều này gây ra khó khăn trong việc giao tiếp và xử lý các vấn đề của trẻ, thậm chí còn làm cho các biểu hiện của trẻ trầm trọng hơn.

Ví dụ trẻ không nhai hoặc nuốt thức ăn rắn khi gần 5 tuổi, cha mẹ lại phải linh hoạt thay đổi bữa ăn, trẻ không ăn đủ chất dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng và các biểu hiện bệnh lý cũng như các bất thường về sinh hóa ngày càng trầm trọng.

Hoặc có thể trẻ thích chơi các đồ vật bằng gỗ, kim loại hoặc nhựa, thậm chí nghịch chúng đến nỗi cơ thể bị thương.

Lời khuyên cho cha mm

Vực lại tinh thần

Việc nuôi dạy con cái có thể căng thẳng và việc chăm sóc một đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt thường yêu cầu nhiều sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và yêu thương hơn. Cảm xúc tiêu cực là bình thường đối với trường hợp này. Cha mẹ nên cố gắng giữ những cảm giác này trong quan điểm và tránh đổ lỗi cho bản thân một cách không cần thiết. Nếu căng thẳng trở nên quá nhiều, hãy nói chuyện với chuyên gia tư vấn có thể hữu ích.

Cha mẹ cũng cần nhớ rằng trẻ tự kỷ có thể sống một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn. Những biểu hiện không thể mất đi hoàn toàn nhưng có thể thuyên giảm nếu được can thiệp đúng cách.

Cho con đi chẩn đoán sớm

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chẩn đoán và can thiệp sớm có thể có tác động tích cực đến kết quả cuộc sống của trẻ tự kỷ.

Cha mẹ cho con chẩn đoán càng sớm, trẻ càng sớm được trợ giúp thông qua lời nói và các hình thức trị liệu khác. Nếu một đứa trẻ đang có dấu hiệu tự kỷ, tốt hơn là nên tìm kiếm lời khuyên hơn là phớt lờ các dấu hiệu này.

Với sự can thiệp, khoảng 3% trẻ em mắc ASD cuối cùng sẽ giảm thiểu các biểu hiện. Đây thường là những trẻ mắc chứng tự kỷ chức năng cao. Liệu pháp có thể giúp trẻ phát huy tối đa điểm mạnh và vượt qua khó khăn. Cha mẹ nên tìm kiếm chẩn đoán chuyên khoa, bởi vì chẩn đoán càng đáng tin cậy, can thiệp càng phù hợp.

Tìm kiếm sự trợ giúp 

Cha mẹ nên tìm hiểu tất cả những thông tin có sẵn về chứng tự kỷ, nhưng hãy kiểm tra để đảm bảo thông tin là chính xác. Được thông báo sẽ giúp họ trở thành người bênh vực tốt hơn cho con mình. Trợ giúp và cơ hội có sẵn trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và phát triển. Các nhà cung cấp dịch vụ y tế và các nhóm hỗ trợ có thể giúp phụ huynh tìm được thông tin phù hợp.

Các nhóm và blog hỗ trợ, chẳng hạn như tổ chức cho trẻ tự kỷ tại VN A365.vn, cũng có thể cung cấp một không gian thân thiện để chia sẻ kinh nghiệm và lời khuyên, thảo luận các vấn đề với những người hiểu và bày tỏ cảm xúc một cách trung thực.

Cha mẹ cũng nên trò chuyện cởi mở với bạn bè, gia đình và để giúp họ hiểu và cảm thông và nhờ họ trợ giúp. Các thành viên khác trong gia đình có thể cùng đưa trẻ tham gia một chuyến đi đặc biệt đến công viên, hoặc đi du lịch để đứa trẻ hòa nhập và thoải mái hơn.

Dành thời gian cho những đứa con khác và cho bản thân

Cha mẹ cần có những hoạt động phù hợp để cùng đứa con khác phát triển cũng như tận hưởng cuộc sống. Bởi cha mẹ là điểm tựa vững chắc nhất cho con, do đó cha mẹ nên chăm sóc cho bản thân thật tốt. 

Động viên con và tập hiểu con

Cha mẹ đánh giá cao và nêu bật những gì đứa trẻ có thể làm, thay vì những gì chúng không thể làm.

Trẻ tự kỷ không phải lúc nào cũng có thể diễn đạt bằng lời nói, do đó cha mẹ nên tìm hiểu những biểu hiện của con để phán đoán những gì có thể xảy ra hoặc nhận ra chuyện gì đang diễn ra ngay khi con bắt đầu một hành vi gây rối hoặc có hại. Nhờ đó, cha mẹ có thể giúp trẻ thay thế hành vi tiêu cực bằng hành vi mang tính xây dựng hơn. Cha mẹ có thể yêu cầu con chỉ vào tác nhân làm con khó chịu thay ác vì khóc, la hét hoặc nắm lấy đồ vật trong thất vọng.

Tương tác với con

Các chuyên gia tin rằng sự can thiệp qua trung gian của cha mẹ trong những năm mầm non có thể nâng cao kỹ năng sống của trẻ tự kỷ, cải thiện cơ hội hòa nhập của trẻ. 

Cha mẹ nên dạy con về giao tiếp xã hội, các trò chơi biểu tượng và bắt chước. Sự can thiệp của cha mẹ có thể giúp trẻ thích nghi tốt hơn, đối phó với các công việc hàng ngày dễ dàng hơn, ít hành vi lặp lại hơn và giảm lo lắng ở trẻ.

Bổ sung dinh dưỡng cho con 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc trị liệu dinh dưỡng có thể đem lại những tín hiệu tích cực cho trẻ tự kỷ, giúp giảm thiểu các biểu hiện bệnh lý ở trẻ. Đây là liệu pháp kết hợp giữa việc tránh các tác nhân dinh dưỡng tiêu cực (ví dụ gluten/casein; đường, hóa chất bảo vệ thực vật, chất gây dị ứng, thực phẩm biến đổi gen…) đồng thời bổ sung tăng cường các dưỡng chất bị thiếu hụt trầm trọng ở trẻ (như GABA, folic acid, vitamin B12, Omega 3, methyl…) từ đó giúp cải thiện các quá trình sinh hóa và chức năng thần kinh bên trong cơ thể trẻ. 

Ví dụ: Bệnh nhân bị dư thừa đồng, vitamin B6, methionine, axit folic hoặc sắt có khả năng làm tình trạng bệnh tật họ trở nên tồi tệ hơn nếu họ dùng các thực phẩm chức năng có chứa các chất dinh dưỡng này;

Hoặc việc bổ sung axit béo thiết yếu (omega 3, omega 6, DHA, EPA..) đặc biệt là các axit béo không bão hòa đặc biệt quan trọng vì chúng cung cấp tính lưu động cho màng tế bào và hỗ trợ trong giao tiếp giữa các tế bào não.

Hiện nay nhận thức của cộng đồng về tự kỉ ngày càng tăng cao. Chính vì vậy, khi thấy con có những dấu hiệu nghi ngờ về tự kỉ. Bố mẹ nên đưa con đi đánh giá sàng lọc và chẩn đoán sớm nhất, để tìm ra các phương pháp can thiệp phù hợp với con. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *