Giúp Trẻ Bước Ra Khỏi Vùng An Toàn Như Thế Nào?

Cảm thấy tự tin bước ra khỏi vùng an toàn là một bước quan trọng trong quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ. Ở trong vùng an toàn giúp trẻ có cảm giác thoải mái và được chấp nhận, nhưng bước ra khỏi vùng an toàn trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn về năng lực của mình. Càng ở lại quá lâu trong vùng an toàn, trẻ sẽ càng cảm thấy khó khăn khi đối mặt với thử thách ở bên ngoài. Càng cố trì hoãn việc nới rộng vùng an toàn, nó sẽ càng trở nên bị thu hẹp và cứng nhắc vì đi cùng với quá trình lớn lên của trẻ sẽ là những khó khăn, thử thách mới. Vì vậy, giúp trẻ học hỏi và trưởng thành là quá trình cân bằng giữa việc hiểu, tôn trọng và đồng thời liên tục mở rộng vùng an toàn của trẻ. Có hai lỗi lớn nhất chúng ta thường gặp phải: hoặc chúng ta bỏ qua và không tôn trọng vùng an toàn của trẻ, hoặc là để cho trẻ ở trong vùng an toàn quá lâu.

Một trong những bí quyết của việc mở rộng vùng an toàn là dần dần thêm vào những thử thách mới, đủ để trẻ cảm thấy bị thử thách, nhưng không quá nhiều vì trẻ sẽ cảm thấy bị quá tải và sợ đối mặt.

Gợi ý 4 bước giúp trẻ mở rộng và bước ra khỏi vùng an toàn:

1. Khởi đầu: Bắt đầu với mức khả năng hiện tại của trẻ, để trẻ cảm thấy thoải mái và an toàn nhất

2. Đơn giản hóa các thử thách: Đưa ra yêu cầu nhưng phân chia theo từng bước nhỏ một sao cho trẻ có thể hoàn thành một cách dễ dàng. Trợ giúp nếu cần thiết.

3. Xây dựng kỹ năng: Giúp trẻ vượt qua từng mốc yêu cầu một, và dần dần thêm vào các thử thách mới vừa phải.

4. Tối đa hóa sự thành công: Trong quá trình trẻ học kỹ năng mới, trợ giúp khi cần thiết để trẻ thành công và cảm thấy tự tin. Khi trẻ gặp khó khăn, chia nhỏ các bước ra hơn nữa hoặc thực hiện với tốc độ chậm hơn.

5142c41184c49f1e2493b057

Cần lưu ý rằng việc mở rộng vùng an toàn cần được làm thường xuyên. Bạn không nên dừng lại hoặc để cho trẻ ở nguyên trong vùng an toàn quá lâu. Khi trẻ đã thích nghi với mức kỹ năng mới, tiếp tục mở rộng và khuyến khích trẻ đối mặt với các thử thách tiếp theo. Nếu trẻ gặp khó khăn, chia yêu cầu thành các bước nhỏ hơn hoặc tăng cường trợ giúp để trẻ thành công, nhưng không nên dừng lại hoặc quay ngược trở lại mức kỹ năng trước. Bạn cũng cần nhớ rằng đôi khi có thể để cho trẻ trải nghiệm cảm giác bực bội hay khó chịu khi đối diện với thử thách mới. Điều này giúp trẻ hiểu rằng trẻ không thể luôn luôn thành công, và đôi lúc cần phải “thất bại” thì mới có thể thành công ở bước tiếp theo.

Chú thích của người dịch: “Vùng an toàn” là khái niệm để chỉ trạng thái tâm lý khi một người cảm thấy thân thuộc, thoải mái, không sợ hãi và cảm nhận được mọi thứ ở trong tầm kiểm soát. Một người khi ở trong vùng an toàn sẽ có những hành vi hay thái độ nhất định để duy trì trạng thái cân bằng này. Ở bài viết này, “vùng an toàn” của trẻ có thể hiểu là những môi trường cố định hay quen thuộc với trẻ, và nếu có thử thách hay tình huống phát sinh thì trẻ có thể dễ dàng tự giải quyết với những kỹ năng đã có mà không cảm thấy lo lắng hay sợ hãi.

Nguồn: The Autism Discussion Page.

Mời bạn tham gia Group Thắp đèn xanh – Đồng hành cùng trẻ Tự kỷ để thảo luận, chia sẻ và đồng hành cùng các trẻ Tự kỷ nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *