1. Chơi giả vờ
Chơi giả vờ xảy ra khi trẻ biết bắt chước hành động và âm thanh từ sinh hoạt hàng ngày và tưởng tượng tình huống liên quan đến những hoạt động hàng ngày này. Chơi giả vờ cho phép trẻ sử dụng tính sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ theo những cách mới.
Kỹ năng tiền đề cần có: để dạy trẻ chơi giả vờ, trẻ cần có khả năng bắt chước một số vận động thô và vận động tinh cơ bản; đã biết chơi hoàn thành (VD: thả hết các vòng vào chồng vòng); đã biết chơi phù hợp chức năng (VD: như đàn/trống để đánh, ô tô để đẩy đi, bóng để ném/thả, thìa để xúc, v.v.).
Cách chơi với trẻ:
Bước 1: Quan sát và bắt chước thế giới xung quanh
- Bắt chước là một điều kiện tiên quyết để phát triển kỹ năng chơi giả vờ.
- Dạy cho trẻ chú ý đến các dấu hiệu, mùi và âm thanh xung quanh trẻ.
- Khi có một chú chó đi qua, bạn có thể bắt chước tiếng sủa của nó và bước đi bằng bốn chân. Khuyến khích con bạn làm tương tự.
- Nếu bạn đang xem một chương trình ti vi có xuất hiện chiếc xe ô tô, con đang ngồi trong lòng bạn, bạn có thể giả vờ giữ tay lái và bắt chước tiếng động cơ ô tô kêu “bờ rừm bờ rừm”, còi “bíp bíp”. Khi đọc truyện về chú gà trống, bạn có thể đưa tay lên mồm giả vờ tạo thành mỏ chú gà, gáy “ò ó o”.
Bước 2: Sử dụng dụng cụ thực tế trong các bối cảnh khác nhau
- Trẻ cần phải tưởng tượng các đồ vật được dùng nhưng trong khung cảnh khác.
- Ví dụ, cha mẹ có thể sử dụng dĩa, thìa trên một cái khay. Diễn tả hành động “giả vờ để ăn” cho đứa trẻ, và sau đó trẻ phải biết giả vờ cho con búp bê hoặc thú nhồi bông ăn.
- Một ví dụ khác, cha mẹ lấy gối của trẻ và yêu cầu trẻ cho gấu teddy đi ngủ.
- Khi trẻ biết trò chơi giả vờ, cha mẹ có thể chuyển sang sử dụng vật khác để thay thế (ví dụ giả vờ lược là điện thoại di động, giả vờ bút chì là thanh gươm).
Bước 3: Tạo bối cảnh và đồ vật để cho trẻ chơi giả vờ
- Cha mẹ đầu tư đồ chơi bếp ăn, trang phục, đồ chơi có bánh xe và đồ chơi mang tính xây dựng cho trẻ.
- Trẻ em có thể dùng đất nặn để làm thực phẩm, giả vờ một máy tính là một nhân viên thu ngân, hoặc giả vờ một hộp thành một chiếc xe lửa.
Bước 4: Kể chuyện
- Đọc truyện cho trẻ sẽ tạo nhiều cơ hội để dạy trẻ chơi giả vờ.
- Cha mẹ có thể tạo ra âm thanh phù hợp với câu chuyện trong khi đọc truyện.
- Cha mẹ cũng có thể diễn vai với trẻ giống như trong truyện.
- Cha mẹ cũng có thể đổi giọng để thay thế nhân vật trong truyện.
- Chơi tưởng tượng hay còn gọi là chơi giả vờ giúp trẻ phát triển được kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội. Thông thường, trẻ từ 3-7 tuổi có thể chơi giả vờ. Trẻ học chơi giả vờ bằng cách quan sát và bắt chước những người khác, chẳng hạn khi quan sát thấy cha mẹ chăm sóc cho các em nhỏ thì trẻ sẽ bắt chước rồi chơi với búp bê, cho búp bê ăn v.v. Đối với những trẻ nhỏ tuổi hơn, trẻ nên được học kỹ năng bắt chước và tham gia cùng khi chơi, dần dần thì các hành vi mang tính bắt chước sẽ giảm dần và các hành vi có ý nghĩa hơn sẽ càng tăng lên. Việc cho trẻ học cách chơi một mình và chơi cùng các trẻ khác đều rất quan trọng.
2. Bắt chước
- Kỹ năng tiền đề: Bắt chước là kỹ năng cơ bản đầu tiên có thể dạy với mọi trẻ. Bố mẹ nên chọn mục tiêu dạy cho trẻ dựa vào khả năng bắt chước hiện tại của trẻ để giúp trẻ bắt chước được những hoạt động phức tạp hơn. Một số ví dụ về các mức phát triển kỹ năng bắt chước vận động như sau:
- Bắt chước các thao tác đơn giản trên vật (thả khối hộp, đánh trống, đẩy xe ô tô, v.v.)
- Bắt chước vận động thô (vỗ tay, vẫy tay chào, xoay vòng, dẫm chân, v.v.)
- Bắt chước vận động tinh (thao tác chơi với đất nặn như lăn, vò, véo đất nặn, vẽ nét nguệch ngoạc)
- Bắt chước cử động/biểu đạt trên khuôn mặt (mặt xấu, mặt cười, v.v.)
- Bắt chước hoạt động nhiều bước (bế em bé, lấy bình sữa cho em ti, lau miệng cho em)
- Bắt chước chơi giả vờ
- Những khó khăn hay thách thức trẻ tự kỷ có thể gặp phải khi bắt chước và tham gia cùng
- Trẻ bị tự kỷ thường gặp khó khăn trong giao tiếp và hiểu được người khác, ngoài ra các trẻ này còn gặp khó khăn trong việc chơi cùng các trẻ khác.
- Trẻ cũng khó khăn khi học thông qua quan sát người khác, trẻ cần được dạy “các bước với trò chơi phức tạp”.
- Trẻ tự kỷ cũng cần được hỗ trợ thêm về các thói quen chơi và các gợi ý để giúp trẻ có thể chơi được với những trẻ khác.
Những chiến lược nào có thể giúp trẻ tự kỷ vượt qua các thách thức trên?
- Tạo ra không gian thoải mái cho trẻ: hạn chế yếu tố gây nhiễu và chỉ để lại những gì bạn cần cho các hoạt động, loại bỏ bất cứ đồ vật nào có thể làm trẻ khó chịu.
- Hãy bắt đầu bằng cách quan sát và nương theo sở thích trẻ, bắt chước lại các hoạt động của trẻ
- Sử dụng các cụm từ đơn giản khi dạy trẻ các kỹ năng chơi, ví dụ: “Ồ! Búp bê bị ốm rồi”, “Ồ! Búp bê bị ngã rồi”. “Ồ! Búp bê đang khóc”, “Ồ, chiếc xe gặp tai nạn”.
- Làm mẫu từng bước chơi cho trẻ, sau đó khuyến khích trẻ thử làm nó (ví dụ: cho búp bê ăn, ru búp bê ngủ, chơi trò ô tô bị đâm và gọi xe tải đến kéo…).
- Đưa ra những hướng dẫn chơi đơn giản và rõ ràng để con biết cách chơi. Khuyến khích con chơi bằng cách để con có thể thắng nhiều hơn thua khi chơi.