Dinh dưỡng tăng đề kháng cho trẻ tiếp tục năm học mới

Chế độ ăn khoa học, lành mạnh, cung cấp đủ năng lượng, đạm, vitamin, chất khoáng, lợi khuẩn giúp trẻ tăng đề kháng và khỏe mạnh, học tập tốt hơn, theo bác sĩ Bùi Thị Nhung. 

 Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung- Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia – cho rằng sức khỏe ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập của trẻ.

Trẻ bị thiếu hay thừa dinh dưỡng thường dễ ốm hơn các bạn bình thường. Trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng hoặc thừa cân, béo phì đều có sức đề kháng kém, dễ tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm đường hô hấp, tiêu chảy.

Khi trẻ bị ốm, việc hấp thu và chuyển hóa các chất dinh dưỡng càng kém hơn, hệ miễn dịch càng bị suy giảm hơn do nhiễm khuẩn và thiếu vi chất dinh dưỡng, dẫn đến sức khỏe sẽ lâu hồi phục hơn. Điều này tạo thành một vòng tròn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kết quả học tập.

“Năm học mới cũng là thời điểm giao mùa với những sự thay đổi thất thường về thời tiết. Đây là thời điểm có nhiều dịch bệnh đối với trẻ em, trẻ dễ bị ốm hơn các thời điểm khác trong năm. Nếu cơ thể trẻ không có sức đề kháng tốt, nguy cơ nhiễm bệnh và bị ốm sẽ cao hơn. Bố mẹ nên chủ động tìm các giải pháp phù hợp để giúp trẻ cải thiện sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng, hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho bé”, bác sĩ Nhung khuyến cáo.

Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, việc học trực tuyến đồng nghĩa bé phải nhìn màn hình điện tử nhiều hơn, ít cơ hội vận động ngoài trời – hai yếu tố không có lợi cho sức khỏe. Vì thế, việc tăng cường sức đề kháng cho bé trong năm học này càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Theo đó, việc vận động của trẻ có thể thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và cần phù hợp với lứa tuổi. Bác sĩ Nhung dẫn chứng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trẻ em thanh thiếu niên cần hoạt động thể chất khoảng 60 phút mỗi ngày. Với trẻ mầm non, hoạt động thể chất bao gồm cả các hoạt động như xếp đồ chơi, cất đồ chơi, tự gấp quần áo… Với trẻ tiểu học và học sinh phổ thông, những hoạt động như làm việc nhà, dọn dẹp nhà đều được tính là vận động.

Thứ hai là giấc ngủ. Khi ngủ, các tế bào tạo ra kháng thể – một thành phần quan trọng của sức đề kháng – được nghỉ ngơi và nạp năng lượng để sản xuất ra những kháng thể mà cơ thể đang cần. Với trẻ em, giấc ngủ còn là lúc hormone tăng trưởng được giải phóng mạnh nhất. Phần lớn hormone tăng trưởng được giải phóng theo từng đợt xung trong lúc ngủ dựa trên nhịp sinh học của cơ thể. Các xung lớn nhất diễn ra trước nửa đêm và một số xung nhỏ diễn ra vào sáng sớm. Chuyên gia khuyến cáo, trẻ không nên đi ngủ quá muộn, không nên ngủ sau 22h để đảm bảo hormone tăng trưởng được giải phóng nhiều nhất.

Quan trọng nhất, để có sức đề kháng tốt, cơ thể khỏe mạnh, bé cần được cung cấp đủ năng lượng và các vi chất dinh dưỡng như các vitamin, khoáng chất, lợi khuẩn (probiotic). “Trong tổng số nhu cầu năng lượng cần cho cơ thể, tới 60 – 70% năng lượng dành cho hoạt động của các cơ quan chức năng, trong đó có hệ miễn dịch”, bác sĩ Nhung cho biết. Theo đó, trẻ cần ăn uống đầy đủ và cân bằng 4 nhóm chất cơ bản: bột đường, béo, protein, vitamin và khoáng chất phù hợp với lứa tuổi theo tháp dinh dưỡng hợp lý cho từng lứa tuổi. Bé cũng nên uống đủ nước bởi nước sẽ tạo ra dung dịch để vận chuyển các chất dinh dưỡng đi từ nơi này đến nơi khác trong cơ thể.

Đáng chú ý, sử dụng các sản phẩm chứa lợi khuẩn và chất xơ từ rau củ quả sẽ giúp hỗ trợ đường tiêu hóa, từ đó cũng góp phần tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Ngoài ra lợi khuẩn còn giúp ngăn ngừa nhiều bệnh, hỗ trợ tăng đề kháng, chống nhiễm khuẩn. 

Tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa nhiều bệnh, chống nhiễm khuẩn

Không chỉ hỗ trợ tiêu hóa, lợi khuẩn còn giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, từ đó ngăn ngừa nhiều bệnh, trong đó có cúm hay các bệnh đường hô hấp khác. Một nghiên cứu của Đại học Reading (Anh) cho thấy những người uống sản phẩm có probiotic trong vòng 4 tuần có số lượng tế bào miễn dịch cao hơn với nhóm người không uống probiotic.

Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2013 cũng cho thấy, nhóm trẻ em (từ 24 – 47 tháng tuổi) sau 3 tháng sử dụng sữa chua uống men sống (Probi) có chứa lợi khuẩn L.Casei 431TM có xu hướng cải thiện nồng độ kháng thể IgA trong huyết thanh. Cụ thể, chỉ số miễn dịch IgA có xu hướng tăng hơn 30% so với nhóm không sử dụng (tăng 19,97 mg/dL so với 14,98 mg/dL).

Lợi khuẩn có thể được bổ sung bằng cách sử dụng các sản phẩm lên men như đậu nành lên men (natto), kim chi, dưa muối, sữa chua và nhất là sữa chua uống – thức uống khá phù hợp với khẩu vị các bé. Lợi khuẩn cũng phát triển tốt khi có nguồn thức ăn là các chất xơ hòa tan (prebiotic), khi đó hiệu quả hỗ trợ tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho trẻ sẽ cao hơn. “Ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 6 tuổi, hệ miễn dịch còn yếu, việc bổ sung lợi khuẩn bằng con đường ăn uống hàng ngày giúp bé tăng đề kháng là cách làm tương đối dễ dàng và các bậc phụ huynh nên lưu ý”, bác sĩ Nhung nhấn mạnh.

Mời bạn tham gia Group Thắp đèn xanh – Đồng hành cùng trẻ Tự kỷ để thảo luận, chia sẻ và đồng hành cùng các trẻ Tự kỷ!

Nguồn tham khảo: vinmec; vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *