Năm 1991, Kathleen Taylor (Trị liệu viên Hoạt động) và Maryann Trott (Giáo viên Giáo dục đặc biệt) đã sử dụng thuyết Tích hợp Cảm giác của bà Jean Ayres để đưa ra mô hình Kim tự tháp Học tập (Pyramid of Learning), đề cập đến các kỹ năng nền tảng hỗ trợ cho việc học tập.
Theo hình vẽ thì ô dưới cùng là Hệ thần kinh Trung ương, hỗ trợ cho toàn bộ các tầng trên, mà gần nhất là các HỆ THỐNG GIÁC QUAN cơ bản của con người. Đó là Khứu giác (ngửi), Thị giác (nhìn), Thính giác (nghe), Vị giác (nếm), Xúc giác (sờ chạm), Tiền đình (cảm giác về thăng bằng), Cảm thụ bản thể (biết cơ thể ở đâu trong không gian).
Các hệ thống giác quan đầy đủ sẽ hỗ trợ cho sự PHÁT TRIỂN GIÁC QUAN – VẬN ĐỘNG ở tầng trên, như:
- Cảm giác về cơ thể thông qua vận động
- Phản xạ phát triển hoàn thiện đảm bảo các mục tiêu bảo vệ và sinh tồn của cơ thể
- Khả năng lọc thông tin đầu vào, biết trải nghiệm giác quan nào là quan trọng cần phải chú ý nhiều hơn
- Kiểm soát tư thế tốt, tự tin duy trì các tư thế nhất định không bị ngã
- Nhận thức được về 2 bên của cơ thể (sự phối hợp và tích hợp 2 bên)
- Khả năng lập kế hoạch cho vận động của cơ thể
Cùng với sự hoàn thiện của HỆ THỐNG GIÁC QUAN, sự phát triển đầy đủ mối quan hệ GIÁC QUAN – VẬN ĐỘNG cho phép trẻ phát triển các VẬN ĐỘNG NHẬN THỨC ở tầng thứ tư là:
- Các kỹ năng nghe nói phù hợp
- Nhận thức thị giác-không gian, xác định được vật đang nhìn vào trong không gian.
- Chức năng tập trung, giúp duy trì sự tập trung chú ý vào công việc
- Sự phối hộp mắt-tay, sử dụng thị giác để điều khiển vận động của bàn tay
- Khả năng kiểm soát vận động thị giác, giúp xác định vị trí và nhìn chăm chú vào vật nào đó trong môi trường
- Khả năng điều chỉnh tư thế để duy trì thăng bằng
Và sự phát triển đầy đủ ở tầng dưới hỗ trợ cho tầng trên cùng là phát triển TRÍ TUỆ – NHẬN THỨC. Đó là: việc học tập, các hoạt động hàng ngày (ăn, tắm rửa, vệ sinh) và kiểm soát hành vi.
Sự phát triển và hỗ trợ đi theo chiều từ dưới lên trên. Tầng trên có hoạt động/kiểm soát được hiệu quả hay không thì phụ thuộc vào sự phát triển và hoàn thiện của tầng dưới.
Do vậy, nếu trẻ rối loạn phát triển có vấn đề khó khăn từ tầng dưới (như rối loạn xử lý cảm giác, phát triển giác quan-vận động chưa hoàn thiện…) mà chưa được hỗ trợ thì việc can thiệp luôn vào tầng trên (như việc học tập, kiểm soát hành vi…) sẽ bị giảm hiệu quả.
Đến nay đã hơn 50 năm sau khi thuyết Tích hợp Cảm giác của Jean Ayres ra đời, và 30 năm sau khi mô hình Kim tự tháp Học tập được giới thiệu thì đã có những nghiên cứu mới về não bộ, về sự phát triển và chức năng của hệ thống thần kinh. Dù các yếu tố hay vị trí của các yếu tố tại mỗi tầng có thể thay đổi theo những hiểu biết mới, thì nhìn chung mô hình trên vẫn đúng, những tầng dưới (giác quan, giác quan-vận động, vận động nhận thức) sẽ làm nền tảng cho sự phát triển trí tuệ-nhận thức.
Tài liệu tham khảo:
Cô Ngọc Phạm – Trị liệu viên chính Chương trình Tích hợp Phản xạ Thần kinh Giác quan Vận động MNRI, Viện Đào tạo Svetlana Masgutova (Mỹ).