Giảm Thiểu Tai Nạn Và Thương Tích

Các rủi ro trong và bên ngoài ngôi nhà không thể loại bỏ được một cách triệt để, ví dụ, không thể loại bỏ bình nước nóng đang đun trên bếp, dao sắc để trong ngăn kéo bếp hay xe cộ đông đúc trên đường. Trong những trường hợp này, dạy cho trẻ biết về những mối nguy hiểm và các cách phòng tránh chúng là rất quan trọng. Tạo dựng nên những câu chuyện xã hội liên quan đến những thiết bị báo khói, những cuộc diễn tập chữa cháy, báo động hỏa hoạn, sờ tay vào lửa, nói chuyện với người lạ, v..v.. là một cách để bắt đầu. (Một câu chuyện xã hội là một câu chuyện ngắn được cá nhân hóa giải thích về những ngụ ý tế nhị trong các tình huống xã hội và chia tình huống hay nhiệm vụ thành các bước dễ thực hiện.) Những câu chuyện này không cần quá dài hay phức tạp, và chúng nên được lặp lại thường xuyên, đặc biệt là trong những tình huống có nguy cơ rủi ro cao. Ví dụ khi đang nấu trên bếp, người mẹ có thể kể cho con nghe chuyện về một câu bé bị bỏng tay khi chạm vào lửa hay chảo nóng. Những câu chuyện này có thể được thêm thắt bằng những bài hát, nhịp điệu hay vẻ mặt hài hước. Dù thế nào đi nữa, nếu câu chuyện được lặp lại thường xuyên đúng mức, đứa trẻ sẽ học được cách tránh những tình huống nguy hiểm.

Ngoài các câu chuyện xã hội, việc sử dụng hình ảnh (tranh hay ảnh) có thể giúp trẻ hiểu được chúng cần phải làm gì và/hoặc chúng nên làm gì. Ví dụ câu nói “không chạm vào thanh nhiệt của lò nướng” đi kèm với một bức hình thanh nhiệt và một biểu tượng “Không” màu đỏ tươi hoặc ký hiệu “Dừng tay” ở trên bức ảnh có thể sẽ chỉ dạy cho trẻ biết về cách ứng xử một cách đầy hình ảnh.

Hành vi của trẻ không phải là hành vi duy nhất cần thay đổi. Những bậc cha mẹ đã quen với việc chăm sóc những đứa trẻ đặc biệt sẽ để ý thấy rằng việc giám sát trẻ còn mất nhiều công sức hơn nhiều. Các bậc cha mẹ hay những người bảo hộ cho trẻ tự kỷ cần thận trọng hơn, vì trẻ tự kỷ thường có xu hướng ngoan cố trong các hành động của chúng và sẽ không vì những mối nguy hiểm hiển nhiên trước mắt hay những lời dạy bảo nghiêm khắc mà dừng lại.

Trẻ em tự kỷ có lẽ cần thêm nhiều biện pháp đề phòng hơn để có thể ở trong nhà một cách an toàn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải điều hòa để giữ cho con bạn an toàn nhưng không biến nhà ở thành một nhà tù. Bạn nên nhớ rằng ngay cả khóa cửa cũng chẳng được an toàn lắm vì chúng ngăn không cho bất cứ ai rời được khỏi căn nhà khi có tình huống khẩn cấp, ví dụ như hỏa hoạn. Cẩn trọng là một đức tính quan trọng của các bậc cha mẹ có con bị tự kỷ. Nó đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn và có thể gây nên căng thẳng. Việc đối phó với những căng thẳng này sẽ được nói tới trong chương 96 của quyển sách.

Nguồn: Sách 100 Câu Hỏi Của Cha Mẹ Nuôi Con Tự Kỷ (100 Questions and Answers About Autism: Expert Advice from a Physician/Parent/Caregiver) – Campion Quinn.

Mời bạn tham gia Group Thắp đèn xanh – Đồng hành cùng trẻ Tự kỷ để thảo luận, chia sẻ và đồng hành cùng các trẻ Tự kỷ nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *