Tại sao chơi giả vờ lại quan trọng đến vậy?
Chơi giả vờ giúp trẻ tăng khả năng tư duy, vì các ý tưởng trong trò chơi giả vờ xuất phát từ trí tưởng tượng của trẻ hơn là đến từ các tình huống thực tế. Khi cho trẻ chơi với con vật đồ chơi, trẻ cho con vật đi, uống nước hay ăn – tất cả đều nằm trong tưởng tượng của trẻ, không giống với hành động cầm miếng ghép và đặt vào ô trống trong trò xếp hình – miếng ghép thực và ô trống thực. Góc độ trí tuệ của những trò chơi giả vờ là kết nối một cách sâu sắc giữa ngôn ngữ và suy nghĩ, và nó thực sự là một phần quan trọng trong việc phát triển nhận thức hay tư duy của trẻ.
Chuyện gì xảy ra với trẻ tự kỷ?
Trẻ tự kỷ khó khăn trong việc học và chơi các trò chơi giả vờ. Mặc dù trẻ tự kỷ quan tâm tới nhiều đồ chơi, nhưng dường như các trò giả vờ không phải khả năng tự nhiên của trẻ.
Trẻ tự kỷ rất thích các trò như xếp hình, ghép hình, thả hình, các chữ và con số, nhưng khi nhìn thấy búp bê, hộp đồ chơi, cái thìa, cái đĩa, thì trẻ dường như không có khái niệm cần làm gì với những đồ chơi này. Chơi giả vờ ngoài việc sử dụng các đồ vật với chức năng thông thường (như cầm thìa lên và cho vào miệng) – điểm khởi đầu quan trọng của trò chơi giả vờ, nó còn bao gồm các hành động tưởng tượng khác, vượt hơn cả chức năng thông thường của đồ vật (như giả vờ trong cốc có kem, xúc 1 thìa kem, đưa lên miệng ăn và đút cho người khác và nói “Bạn muốn ăn thêm không?”)
Khi trẻ 2 tuổi, trẻ bình thường có thể chơi được trò chơi giả vờ. Bạn sẽ thấy trẻ có thể coi một hình khối là cái bánh, chải tóc cho búp bê bằng cái thước, … Tuy nhiên, trẻ tự kỷ không tự nhiên chơi được các trò chơi giả vờ như các trẻ bình thường khác, trẻ tự kỷ cần được dạy chơi. Một lý thuyết khác lý giải điều này là do phần não dành cho các tư duy trừu tượng của trẻ tự kỷ phát triển chậm hơn, và dường như không kết nối tốt với các phần não khác. Phần não chịu trách nhiệm tiếp nhận và ghi nhớ thế giới thực và hiểu các thông tin, hành động thực dường như hoạt động khá tốt, mạnh hơn trẻ bình thường. Điều này giúp lý giải tại sao người mắc hội chứng phổ tự kỷ lại có trí nhớ tuyệt vời đối với những chi tiết cụ thể, nhưng lại khó khăn trong việc chơi giả vờ, và sau đó là các tư duy trừu tượng.
Kỹ năng chơi giả vờ liên kết chặt chẽ với kỹ năng ngôn ngữ. Thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi trẻ tự kỷ phát triển kỹ năng chơi giả vờ, khả năng ngôn ngữ của trẻ cải thiện đáng kể, mặc dù các nhà trị liệu chỉ tập trung vào kỹ năng chơi giả vờ, không tập trung trực tiếp phát triển ngôn ngữ. Tại sao? Đó là vì chơi giả vờ dạy cho trẻ các kỹ năng cho phép trẻ phát triển “Kinh nghiệm được chia sẻ” với người khác, một dạng cùng chú ý. Nó cung cấp các tình huống để phát triển, sử dụng và thực hành ngôn ngữ.
Tại sao đó lại là vấn đề đối với trẻ tự kỷ?
Như đã giải thích ở trên, mối quan hệ chặt chẽ giữa chơi giả vờ, phát triển ngôn ngữ và tư duy trừu tượng là một điểm yếu của trẻ tự kỷ. Các trò chơi giả vờ với chủ đề về con người và cuộc sống sẽ giúp trẻ tự kỷ mở rộng các kiến thức về xã hội.
Nâng cao kỹ năng chơi giả vờ còn giúp trẻ tự kỷ tham gia các trò chơi đó với trẻ cùng tuổi và mở rộng cơ hội học hỏi từ trẻ bình thường thông qua tương tác.
Nó cũng cho phép trẻ đọc được suy nghĩ và cảm xúc của người khác thông qua việc đóng vai người khác và giả vờ làm những gì họ đang làm.
Và cuối cùng, trong các trò chơi giả vờ, thế giới của các ý tưởng áp đảo thế giới thực. Năng lực dùng suy nghĩ vượt ra khỏi thế giới thực là vô cùng quan trọng đối với trẻ tự kỷ – những trẻ mà thế giới thực dường như quá mạnh trong suy nghĩ của trẻ. Khi trẻ coi một khối hình nào đó là chìa khóa mở ô tô, bánh xà phòng tắm cho em bé, hay thức ăn cho ngựa đồ chơi, thì lúc đó các ý tưởng của trẻ đã đưa và định hình thế giới thực vào trong thế giới tưởng tượng của trẻ.
Nguồn: sưu tầm