Khi Thể Chất Không Phải Là Rào Cản Duy Nhất

Vừa bước vào khu vui chơi, tôi nghe tiếng một cậu bé gọi tên con trai tôi. Vừa quay người lại, chúng tôi thấy cậu bé đang chạy lại: Tụi này đang chơi bóng đá này! Cậu muốn vào đội khônggg?”

Thường thì bọn trẻ sẽ chẳng mấy ngạc nhiên với những lời rủ rê kiểu này. Nhưng với con trai tôi, năm nay đã 7 tuổi, thì đây gần như là lần trải nghiệm đầu tiên. Vài tháng ngay trước sinh nhật lần thứ 3, con trai tôi đã mất khả năng đi lại và nói do một chứng bệnh thần kinh hiếm.

Tôi đã cho con đi học ở một trường cách nhà vài dặm trước khi chuyển sang ngôi trường mới này. Tôi đã đấu tranh để con được học ở đó, một trong số những nơi hiếm hoi ở Manhattan mà ở đó tất cả các phòng học, phòng thể thao, căng tin và hội trường đều có lối đi dành cho xe lăn. Tôi đã rất quyết tâm cho con đi học ở đó – một ngôi trường “không có rào cản.”

Nhưng chỉ một vài tháng sau đó, tôi đã nhận ra rằng còn có những rào cản khác đối với việc hòa nhập của con ngoài những khác biệt về thể chất. Sự tương tác duy nhất giữa những đứa trẻ ở hai “lớp học đặc biệt” và các học sinh khác trong trường là trong những giờ chơi kéo dài nửa tiếng mỗi tuần với học sinh ở các lớp lớn. Ngoài sáu học sinh khác trong lớp đặc biệt, trong đó chỉ có một là bạn của con trai tôi, bọn trẻ không còn cơ hội nào để chơi cùng các bạn khác trong trường.

Ở khu tôi ở cũng vậy. Sau những ngày dài ở bệnh viện và những chuyến đi dài mới tới được trường, con trai tôi không có nhiều bạn ở trong khu. Lũ trẻ thường chỉ nhìn chằm chằm hoặc quay đi chỗ khác. Tôi rất muốn làm gì đó để có thể chấm dứt sự cô đơn và tách biệt của con trai cả ở trường lẫn ở nhà.

Trong những ngày dài con trai tôi ở bệnh viện, tôi đã chứng kiến thằng bé kết bạn với những đứa trẻ là anh chị em của các trẻ nằm cùng phòng. Những đứa trẻ này đã hiểu về sự khác biệt ngay từ khi còn rất nhỏ, và vì thế rất thông cảm và yêu thương con trai tôi. Từ đó tôi càng quyết tâm tìm một ngôi trường gần nhà hơn để có thể giúp con cảm thấy thân thuộc và có nhiều trải nghiệm hơn với cuộc sống xung quanh mình.

May mắn thay, một trong những ngôi trường ở gần nơi chúng tôi sống đã được xây dựng với mô hình Dạy học hòa nhập – tất cả học sinh đều được học và chơi cùng với nhau dù có hay không có những nhu cầu đặc biệt. Mục tiêu của nhà trường là ngay trong mỗi lớp học đều thể hiện sự đa dạng của xã hội.

Dù đã đăng ký cho con nhưng tôi vẫn cảm thấy lo lắng. Nhỡ con không thể kết bạn thì sao? Nhỡ các bố mẹ khác cho rằng sự có mặt của con trai tôi sẽ làm mất thời gian và công sức của giáo viên và nhà trường, và sẽ không đồng ý để thằng bé học trong lớp?

Vài tuần trước khi năm học mới bắt đầu, tôi gặp hai đứa trẻ mặc áo phông đồng phục của trường. Sau khi tôi giới thiệu con trai mình sẽ vào học lớp 1 ở trường năm nay, mẹ của hai đứa trẻ cũng tự giới thiệu về bản thân mình và hỏi thằng bé sẽ học lớp nào. Tôi rụt rè trả lời. Người mẹ reo lên:” Hay quá! Thế là cùng lớp với con gái em đấy!” Nói rồi cô quay sang hai đứa con và nói với giọng hồ hởi: “Mấy đứa tha hồ được chơi với nhau ở trường nhé!”

Cậu bé trai nhanh chóng trả lời: “À, có thể có một số trò bạn ấy không chơi được đâu mẹ, vì bạn ấy có đi được đâu!”

Người mẹ đáp lại: “Không, các con sẽ phải cách chơi khác đi để bạn sẽ chơi cùng được chứ!”

Đó là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một ai đó thể hiện một cách thật là rõ ràng quan điểm rằng thay vì chấp nhận việc cô lập một đứa trẻ khác biệt, cần phải sáng tạo để mọi đứa trẻ đều có thể được hòa nhập. Con trai út của cô cũng là một đứa trẻ đặc biệt. Con gái cô đã giúp con trai tôi có một ngày nhập học thật là suôn sẻ. Con bé đã trở thành người bạn thân của gia đình tôi ở sân chơi của khu phố.

Con trai tôi không thường xuyên nhìn vào mọi người khi nói. Thỉnh thoảng thằng bé còn chảy nước rãi, và phát ra những âm thanh mà những đứa trẻ khác không thể hiểu nổi. thằng bé có những cử động kỳ là. Nhưng với sự hỗ trợ và những điều chỉnh phù hợp, con trai tôi có thể học, chơi, bơi, trượt băng, trượt tuyết, múa và cả cưỡi ngựa nữa. Ở trường, từ cán bộ nhân viên tới các bạn học sinh khác trong lớp đều học cách điều chỉnh để thằng bé có thể tham gia vào các hoạt động. Con trai tôi cũng như tất cả mọi đứa trẻ khác, với những phẩm chất và tính cách độc đáo của riêng mình.

Giờ đây mỗi khi tới công viên, con trai của tôi thường được các bạn chào đón và mời tới chơi cùng. Các bạn chờ đợi rất kiên nhẫn trong khi tôi giúp con bước ra khỏi xe lăn tới gần cột gôn và giúp con giữ thăng bằng khi làm thủ môn. Tôi cảm thấy rất tự hào vì những nỗ lực của thằng bé để có thể tham gia trò chơi, và cả vì lũ trẻ đã mời thằng bé cùng chơi mà không hề đắn đo. Có rất nhiều chỗ khác ở trong trường vẫn chưa có lối đi cho xe lăn. Nhưng chúng tôi đã nhận ra rằng, một môi trường thực sự “không có rào cản” không chỉ nằm ở kiến trúc của các tòa nhà, mà còn ở thái độ cởi mở và tôn trọng sự khác biệt.

Nguồn:  http://www.nytimes.com/2016/09/02/well/family/when-the-barriers-arent-just-physical.html?action=click&contentCollection=Well&module=RelatedCoverage&region=Marginalia&pgtype=

Mời bạn tham gia Group Thắp đèn xanh – Đồng hành cùng trẻ Tự kỷ để thảo luận, chia sẻ và đồng hành cùng các trẻ Tự kỷ nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *