Làm theo dẫn dắt của trẻ: Sức mạnh của việc bắt chước trẻ tự kỷ

Nếu bạn có con tự kỷ, bạn có thể thấy rất khó để hòa vào những trò con đang chơi, hay để thu hút sự chú ý của con khi bạn muốn chỉ cho con thấy điều gì. Nhưng khi bạn “làm theo dẫn dắt của con” bằng cách bắt chước hoặc làm giống con, bạn sẽ nhận thấy đó là một cách dễ dàng để kết nối với con và làm cho con chú ý đến bạn.

Nếu bạn đã từng chơi trò “Làm theo người cầm đầu” khi còn nhỏ, bạn sẽ nhớ là có một người cầm đầu, và những người khác làm theo, bắt chước những gì người cầm đầu làm. Bạn có thể làm điều giống vậy với con bạn ở nhà, làm giống hành động, động tác, và phát âm của con.

Có nhiều điểm lợi khi bắt chước trẻ tự kỷ:

  • Con được chọn hoạt động – vì bạn bắt chước theo hành động trẻ đang làm rồi, tự nhiên con sẽ có động lực với đồ chơi hay hoạt động đó. Nhiều khả năng con sẽ tương tác hơn khi chúng được tự chọn hoạt động. 
  • Bạn và con sẽ tập trung vào cùng một thứ – khi bạn và con cùng làm một việc, con sẽ dễ chú ý đến bạn và hoạt động đó hơn. 
  • Nó giúp con chú ý đến bạn và nhìn bạn – khi bạn làm chính xác những gì con làm, việc này khuyến khích con nhìn bạn đang làm gì.  Các nghiên cứu cho thấy khi trẻ tự kỷ được bắt chước theo, chúng nhìn người bắt chước chúng nhiều hơi là những người chơi với chúng mà không bắt chước chúng. 
  • Nó thúc đẩy các kỹ năng xã hội khác – ngoài việc khuyến khích trẻ nhìn người đang bắt chước chúng, người ta còn thấy trẻ tự kỷ nói, cười, chơi, ngồi gần lại, và có tiếp xúc với người đang bắt chước chúng. 
  • Điều này khuyến khích con dẫn dắt – khi con thấy bạn đang làm giống chúng, chúng có thể muốn làm các hành động mới hay thử những điều mới để xem bạn có tiếp tục làm giống chúng không. 
  • Điều này khuyến khích trẻ bắt chước bạn – bắt chước người khác là một lĩnh vực khó với trẻ tự kỷ. Khả năng bắt chước có liên quan đến các kỹ năng khác như ngôn ngữ, và nó cũng giúp trẻ học thông qua việc quan sát người khác. Vì thế, giúp con bắt chước bạn phải là một mục tiêu quan trọng. Khi bạn bắt chước con, con có thể để ý hơn đến việc bạn đang làm và bắt đầu bắt chước lại bạn.

Cách bắt chước con

Đây là những cách được trình bày trong cuốn More Than Words® – The Hanen Program® for Parents of Children on the Autism Spectrum

Bắt chước con là không bắt con phải theo mình, cũng có nghĩa là không bảo con phải làm gì hay cố bắt con phải làm gì. Con bạn sẽ là người dẫn dắt trong trò chơi bắt chước này. Trước khi bạn bắt chước con, bạn cần…

  • Quan sát con – hãy quan sát kỹ con và chú ý đến hành động, động tác, nét mặt và những gì con nói.

Một khi bạn đã chú ý xem con đang làm gì, hãy bắt chước lại những gì con làm!

  • Bắt chước hành động, động tác, hay phát âm của con – nếu con bạn gõ xuống bàn, bạn cũng gõ xuống bàn. Nếu con bạn nhảy lên nhảy xuống, bạn cũng làm theo. Hoặc nếu con đập trống, hãy lấy một cái dùi trống và đập trống theo.  Hãy bắt chước cả những âm con phát tra trong khi làm các hoạt động này.  Nói chung là bạn làm lại chính xác những gì con làm.

Sau khi bạn đã bắt chước con, bạn cần…

  • Đợi xem con phản ứng ra sao – con bạn có thể không để ý đến bạn lần đầu. Nếu con chưa để ý, hãy bắt chước con lần nữa.  Con có thể nhìn bạn hoặc lại tiếp diễn hành động đó.  Nếu vậy, hãy tiếp tục làm giống con.  Rồi cuối cùng bạn sẽ có một trò chơi bắt chước qua lại, khi mà khó có thể biết ai đang bắt chước ai!!

Để làm việc này dễ hơn, bạn có thể…

  • Có hai bộ chơi/đồ vật giống hệt nhau – một số trẻ sẽ phản đối nếu bạn lấy đồ chơi của chúng khi đến lượt bạn bắt chước chúng.  Khi bạn có đồ chơi hay đồ vật giống hệt, con có thể bớt cáu hơn.

Bạn cũng có thể thử…

  • Bắt chước con trước gương – nhiều trẻ thích nhìn mình trong gương. Nếu bạn bắt chước nét mặt, động tác và phát âm của con khi con đang nhìn gương, con có thể sẽ để ý đến bạn.

Những lúc có vẻ khó thu hút sự chú ý của con và tương tác với con, thì bắt chước có thể có ích.  Đó là cách rất đơn giản để con chú ý đến bạn.  Vì thế hãy buông việc dẫn dắt con và để con là người dẫn dắt.  Bằng cách chơi trò làm theo, bạn và con có thể có tương tác và cùng vui với nhau, và đồng thời con sẽ học được một số kỹ năng xã hội quý báu.

Nguồn: nuoicontuky

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *