Quá trình phát triển ngôn ngữ bình thường ở trẻ. Giai đoạn phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ được biểu hiện như sau:
– Từ 3 – 6 tháng: Trẻ bắt đầu chăm chú nhìn vào người nói chuyện. Quay đầu về phía có tiếng động phát ra.
– Phân biệt được các tiếng động khác nhau phát ra từ các vị trí khác nhau.
– Nói được nguyên âm “a”, từ “ba”, “bà”.
– Từ 6 – 9 tháng: Nói được 2 âm khác nhau như “ma ma”, “da da”.
– Từ 9 – 12 tháng: Trẻ phát âm “ê”, “a” kéo dài thành một chuỗi âm thanh như người lớn nhưng không rõ từ.
– Tùy theo mỗi trẻ, nhưng khi được khoảng 11 tháng hay 1 tuổi có trẻ nói được khoảng 2 – 3 từ đơn khá rõ, có thể là: bố, bà.
– Từ 12 – 15 tháng: Trẻ có thể phát âm như tiết tấu âm nhạc để giữ cho câu chuyện tiếp tục.
– Từ 15 – 18 tháng: Sử dụng được 4 từ, thường là tên con vật kết hợp với cử chỉ, đưa tay vẫy, chỉ. Khi trẻ được 18 tháng tuổi trẻ bắt đầu nói và tự nối ghép được hai từ với nhau. Ở giai đoạn này, trẻ nói bắt đầu hình thành các trật tự câu. Trẻ biết chỉ được ít nhất là sáu bộ phận trên cơ thể, chỉ được một hai hình ảnh quen thuộc khi cho trẻ nhìn tranh như: hình bố, hình con cá hoặc hình con chó…
– Từ 18 tháng đến 2 năm: Biết khoảng 25 từ, gọi tên người, chào hỏi, từ chối.
– Từ 2 – 3 tuổi: Nói rất nhiều, biết từ 50 – 200 từ, tự nói chuyện khi chơi. Đến 3 tuổi trẻ tạo ra một cụm từ có đầy đủ thành phần chủ vị. Trẻ biết sử dụng các câu đơn giản, đặt câu hỏi đơn giản.
Trẻ trả lời được các câu hỏi như: cái gì, ở đâu? Có/không?. Sau giai đoạn này, trẻ sẽ nói được và sẽ tạo đà cho trẻ phát triển được rất nhiều các câu phức tạp, hình thành được các câu chuyện dài với nội dung khá logic.
– Từ 3 – 4 tuổi: Trẻ nói được các câu phức tạp trẻ bắt đầu sử dụng các ngôn ngữ ấy một cách khá tốt. Tự kiểm soát được cường độ giọng nói, xây dựng ngữ điệu như người lớn, thường hỏi cái gì, ở đâu, tại sao…
Nguyên nhân khiến trẻ chậm nói. Nguyên nhân làm trẻ chậm nói được xếp thành 2 nhóm chính là nguyên nhân thực thể và nguyên nhân tâm lý:
– Nguyên nhân thực thể là do trẻ có những vấn đề về cơ quan phát âm (tai, mũi, họng).Cụ thể trẻ chậm nói có thể do khiếm khuyết ở miệng, như vấn đề về lưỡi hoặc hở hàm ếch. Nếu lưỡi bị ngắn (do nếp gấp dưới lưỡi) có thể hạn chế chuyển động lưỡi khi nói.
Nhiều trẻ em bị chậm phát triển nói do có vấn đề về răng miệng. Trẻ gặp khó khăn trong sử dụng và phối hợp giữa môi, lưỡi, và hàm để tạo âm thanh lời nói. Lúc này, vấn đề khó khăn bé gặp phải không chỉ là nói mà còn khó khăn trong một số hoạt động khác như khi ăn, uống. cơ quan chỉ huy (não bị dị tật bẩm sinh, bại não, những di chứng sau xuất huyết não, viêm màng não…)
– Nguyên nhân tâm lý là do gia đình hoặc quá cưng chiều, hay bỏ bê trẻ, hoặc đã xảy ra một biến cố nào đó làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.
Vậy khi nào cần can thiệp?
Trước tiên cha mẹ, người thân cần chú ý chăm sóc, quan tâm phát triển kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ phù hợp với độ tuổi, và cần can thiệp sớm khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường về phát triển ngôn ngữ.
Dấu hiệu cho thấy bé chậm nói
– Không đáp ứng với giọng nói hay những âm thanh to khi bé 6- 8 tuần tuổi.
– Không cười với giọng nói của cha mẹ lúc 2 tháng.
– Không quan tâm đến người và vật xung quanh lúc 3 tháng.
– Không quay đầu theo hướng âm thanh lúc 4 tháng.
– Không cười tự phát lúc 6 tháng.
– Không bập bẹ lúc 8 tháng.
– Ở thời điểm 12 tháng không sử dụng cử chỉ, ví dụ chỉ tay hoặc vẫy tay ‘bye-bye’.
– Ở thời điểm 18 tháng tuổi bé vẫn dùng những cử chỉ thay cho phát âm để giao tiếp.
– Có vấn đề rắc rối nếu không bắt chước được âm thanh khi 18 tháng tuổi. Vốn từ của bé ít hơn 6 từ. Bé thích dùng cử chỉ hơn là phát âm để giao tiếp. Không hiểu các yêu cầu bằng lời nói đơn giản.
– Không nói được từ đơn lúc bé 2 tuổi. Chỉ nhắc đi nhắc lại vài từ mà không thể sử dụng ngôn ngữ nói để giao tiếp theo đúng sự phát triển bình thường.
– Không nói được một câu đơn giản khi bé 3 tuổi.
Nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện trên, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra. Tùy theo mức độ chậm nói và độ tuổi của trẻ các bác sĩ, nhà trị liệu sẽ có nhiều hình thức can thiệp khác nhau như tư vấn, hướng dẫn cha mẹ huấn luyện ngôn ngữ cho trẻ tại gia đình, hoặc cần kết hợp chuyên gia ngôn ngữ, tâm lý và bác sĩ để can thiệp thúc đẩy ngôn ngữ ở trẻ.
Đối với trẻ chậm nói do nguyên nhân thực thể, đa phần là do trẻ có vấn đề về thính lực. Các bác sĩ phải điều trị về thính lực cho trẻ. Đối với trẻ bị điếc nhẹ và điếc trung bình thì việc điều trị trước 5 tuổi rất có hiệu quả. Trong những trường hợp điếc do viêm tai, thủng màng nhĩ, trẻ sẽ được điều trị bằng phẫu thuật, vá màng nhĩ để tăng sức nghe. Với những trường hợp không nghe lại được thì phải can thiệp bằng cách đeo máy nghe.
Mời bạn tham gia Group Thắp đèn xanh – Đồng hành cùng trẻ Tự kỷ để thảo luận, chia sẻ và đồng hành cùng các trẻ Tự kỷ!