Mô tả chung
Với Phương pháp can thiệp dựa trên chuyện kể (Story-based Intervention Package) cần xác định một hành vi mục tiêu và viết ra những mô tả về các tình huống mà mỗi hành vi cụ thể này có thể sẽ xảy ra. Các câu chuyện được mô tả hầu hết đều nhằm làm tăng kỹ năng thay đổi góc nhìn của trẻ và được viết dưới với ngôi kể “Tôi/ Mình” hoặc “ai đó”. Chương trình can thiệp dựa trên chuyện kể phổ biến nhất hiện nay là là Social StoriesTM (*).
Thông tin cơ bản
Phương pháp can thiệp dựa trên chuyện kể đã được chứng minh là hiệu quả đối với:
• Trẻ từ 6 đến 14 tuổi
• Được chẩn đoán tự kỷ và Hội chứng Asperger
• Những trẻ cần cải thiện các kỹ năng tương tác, kỹ năng giao tiếp, các hành vi xã hội, kỹ năng lựa chọn và kỹ năng chơi, khả năng hiểu được cảm xúc; các kỹ năng khi ăn uống; kỹ năng tự điều chỉnh và những trẻ có các hành vi có vấn đề.
Mô tả cụ thể
Can thiệp dựa trên chuyện kể là một cách đơn giản để dạy trẻ có rối loạn tự kỷ cách xử lý các tình huống phức tạp trong nhiều bối cảnh khác nhau. Khi sử dụng phương pháp này, bạn sẽ viết ra các câu chuyện trong đó miêu tả cụ thể:
• Hành vi mục tiêu
• Các tình huống trong đó hành vi mục tiêu có thể xảy ra
• Kết quả có thể xảy ra khi thực hiện hành vi đó. Phần này có thể bao gồm mô tả từ góc nhìn của một người khác
Mặc dù các thông tin có trong câu chuyện sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ phát triển và nhận thức của trẻ, những yếu tố điển hình mà một câu chuyện thường có bao gồm:
• Các thông tin liên quan đến “ai/ cái gì/ khi nào/ ở đâu/ tại sao” của hành vi mục tiêu
• Được viết từ ngôi thứ nhất “Tôi” hoặc ngôi thứ ba “ai đó” để làm tăng kỹ năng thay đổi ngôi kể, góc nhìn của trẻ
• Những câu hỏi thảo luận và đọc hiểu để đảm bảo con của bạn hiểu được những điểm chính của câu chuyện
• Tranh ảnh để việc học kỹ năng dễ dàng hơn
Các phương pháp dựa trên chuyện kể thường được áp dụng với những trẻ đã có kỹ năng đọc hiểu, nhưng cũng có thể áp dụng với những trẻ có kỹ năng nghe hiểu tốt.
Ví dụ
Khi anh Santiago nói chuyện điện thoại ở nhà, con trai anh là Alejandro thường gặp khó khăn trong việc chờ đợi. Alejandro liên tục cố thu hút sự chú ý của bố bằng cách trèo lên người bố, bày các hoạt động ra với bố và cuối cùng là la hét và quấy khóc. Vì vậy, anh Santiago muốn dạy con mình cách cư xử phù hợp khi ai đó đang nói chuyện điện thoại.
Anh Santiago tạo ra một câu chuyện được viết dưới góc nhìn của con trai, và đưa ra những câu hỏi như:
Cậu bé cần phải làm gì? Trả lời: Chọn một hoạt động mà cậu bé hứng thú, ví dụ như chơi với đội quân đồ chơi của mình hoặc đọc một cuốn sách.
Khi nào thì cậu bé cần thực hiện hành vi này? Trả lời: Khi bố cậu bé đang nói chuyện điện thoại.
Điều gì có thể xảy ra nếu cậu bé thực hiện đúng hành vi này? Trả lời: Cậu bé có thể sẽ nhận được nhiều sự chú ý hơn từ bố sau khi bố cậu bé nói chuyện điện thoại xong.
Sau đó là lúc anh Santiago kể câu chuyện này cho con trai mình. Anh Santiago ôn lại câu chuyện với Alejandro và đồng thời hỏi cậu bé những câu hỏi đọc hiểu trong quá trình này để đảm bảo cậu bé hiểu câu chuyện (Ví dụ, “Con sẽ làm gì khi điện thoại reo?”). Anh diễn tình huống này một vài lần với con trai mình để đảm bảo rằng cậu bé hiểu được cả tiến trình.
Anh Santiago sau đó nhờ một người bạn gọi điện cho mình để anh có thể có một cuộc nói chuyện ngắn (khoảng 1 phút) trên điện thoại. Ngay khi điện thoại kêu, anh đưa cho Alejando câu chuyện và nhấc máy. Alejandro bắt đầu nhìn vào cuốn sách và sau đó quyết định chọn một trong các hoạt động từ đó.
Anh Santiago nhanh chóng nói chuyện điện thoại xong và khen ngợi Alejandro vì đã biết tự chơi với đội quân đồ chơi của mình. Sau đó anh chơi với cậu bé 5 phút tiếp theo. Anh biết rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu. Anh Santiago sẽ dần dần tăng mức kỳ vọng đối với hành vi của Alejandro khi anh nói chuyện điện thoại. Anh bắt đầu với một phút, nhưng sau này anh mong muốn có thể nói chuyện điện thoại lên tới 10 phút.
—————————-
(*) Chương trình Social StoriesTM được thiết kế vào năm 1991 bởi Carol Gray, Giám đốc Trung tâm Gray Center for Social Learning and Understanding tại Grand Rapids, Michigan, Mỹ, nhằm củng cố kỹ năng xã hội cho người tự kỷ. (Chú thích của người dịch)
Nguồn: A Parent’s Guide to Evidence-Based Practice and Autism
Mời bạn tham gia Group Thắp đèn xanh – Đồng hành cùng trẻ Tự kỷ để thảo luận, chia sẻ và đồng hành cùng các trẻ Tự kỷ nhé!