Đây chắc hẳn là nỗi băn khoăn, lo lắng của rất nhiều các phụ huynh có con trong độ tuổi tập đọc, tập viết (3-6 tuổi).
Thực ra, giai đoạn này khi trẻ bắt đầu hình thành các hình ảnh về số hay chữ thì hiện tượng viết kiểu gương soi (mirror writing) hay còn gọi là viết ngược là hết sức bình thường bởi đặc điểm lứa tuổi giai đoạn này não bộ đang trong quá trình phát triển để hoàn thiện.
Để viết được đúng chữ/số, não bộ phải thực hiện 2 chức năng: vừa phải làm chức năng miêu tả đặc điểm của chữ, vừa phải định hướng chữ đó trong không gian trái phải. Tuy vậy, do chức năng não bộ chưa phát triển hoàn thiện nên trẻ ở lứa tuổi này thiên về tập trung điều khiển tay để thể hiện đặc điểm chữ mà chưa tập trung thêm được công việc định hướng trái phải cho chữ đó.
Cụ thể hơn, theo nghiên cứu của Giáo sư Stanislas Dehaene, một nhà thần kinh học nhận thức nổi tiếng người Pháp và các đồng nghiệp thì bộ não của con người (và bộ não của tất cả các loài linh trưởng thực sự) có một khu vực được gắn nhãn là “hộp thư”. Đây là một khu vực trong vỏ não mà trước khi học đọc có trách nhiệm nhận diện đối tượng (chữ, số). Khu vực đặc biệt này có chức năng đối xứng (ví dụ nó cho phép trẻ nhận ra một khuôn mặt là cùng một người, bất kể chúng đang nhìn khuôn mặt đó từ bên trái hay bên phải).
Do đó khi trẻ bắt đầu học đọc, viết lúc nhỏ khu vực “hộp thư” này sẽ có chức năng chú ý trực quan vào các chữ cái, con số. Chức năng đối xứng sớm tiếp tục trong một thời gian cho đến khi không gian ở bán cầu não phải phát triển giúp trẻ định hướng được chiều trái, phải của chữ, số.
Chính vì vậy trẻ thường viết ngược trong một giai đoạn nhất định, thậm chí viết xong cũng không hề nhận thức được đó là bị ngược. Tuy vậy sau này, bộ não sẽ “quên những điều đã học” từ chức năng này. Việc này có thể mất nhiều thời gian hơn ở một số trẻ, nhưng cuối cùng trẻ cũng mất khả năng viết ngược. Khi đó sẽ không hề dễ dàng để viết một cách trôi chảy từ phải sang trái với tất cả các chữ cái dưới dạng đảo ngược. Nếu không tin, bạn hãy thử yêu cầu một người trưởng thành viết ngược xem. Đó là một thử thách lớn đối với chúng ta.
Như vậy:
1. Viết ngược là hành vi phát triển bình thường cho trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi thậm chí là 7 tuổi.
2. Trẻ em có kỹ năng vận động tinh tuyệt vời vẫn có thể vật lộn với sự đảo ngược của chữ cái và/ hoặc số.
3. Cả trẻ em thuận tay trái và tay phải đều có thể vật lộn với việc đảo ngược chữ cái.
4. Đây không phải là dấu hiệu của chứng khó đọc.
VẬY CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ KHI TRẺ VIẾT NGƯỢC ?
Câu trả lời là chúng ta không cần phải làm gì cả ngoài việc mỉm cười và thưởng thức những nét viết đầu đời của con. Bởi thái độ tích cực đó là nguồn động viên lớn giúp trẻ tin tưởng vào bản thân để tiếp tục quá trình học viết của mình. Một số cha mẹ, thầy cô nôn nóng muốn sửa sai ngay cho con như “con viết ngược rồi con viết lại đi” vô tình gửi đến trẻ suy nghĩ “mình làm cái gì cũng sai” và từ đó rụt rè không tự tin, không yêu thích viết chữ số. Khi không yêu thích thì việc học tập sẽ giảm hiệu quả. Tiếp tục cho trẻ tiếp xúc với chữ số, bảng chữ cái đúng để đến 5 – 6 tuổi trẻ sẽ tự sửa được.
Thầy cô, cha mẹ nên sử dụng hình ảnh trực quan tại nhà/ lớp học để hỗ trợ trẻ. Các tín hiệu thị giác là một khía cạnh khác sẽ hỗ trợ những trẻ đang bị viết ngược. Những chữ cái, bảng chữ cái tuyệt đẹp và có hiển thị hướng viết của từng chữ sẽ là một chỉ dẫn tuyệt vời dành cho trẻ. Trẻ nên được bắt đầu bằng chữ cái thường thay vì chữ in hoa.
Thường thì hiện tượng viết ngược sẽ hết khi trẻ khoảng 5 – 6 tuổi. Ở một số trẻ, hiện tượng này kéo dài qua 6 -7 tuổi. Trong trường hợp qua 7 tuổi mà trẻ vẫn còn hiện tượng viết kiểu soi gương, cha mẹ hãy đi gặp những nhà chuyên môn để được tư vấn.
Mời bạn tham gia Group Thắp đèn xanh – Đồng hành cùng trẻ Tự kỷ để thảo luận, chia sẻ và đồng hành cùng các trẻ Tự kỷ!