Dạy trẻ tập nói là một công việc rất kỳ công, đòi hỏi người lớn phải kiên trì, dạy trẻ bằng trách nhiệm và tình yêu thương thực sự. Hãy lắng nghe và ghi nhận những tiến bộ, cố gắng của trẻ dù là nhỏ nhất. Xin hãy lưu ý các nguyên tắc dưới đây:
1. Khi đưa ra yêu cầu với trẻ, người lớn cần nói đơn giản dễ hiểu( bằng cách giơ đồ vật hoặc tranh minh họa cụ thể ngang tầm mắt trẻ và mắt bạn), nói với tốc độ chậm và rõ ràng, sử dụng những từ, cụm từ hoặc câu đơn nghĩa, ngắn gọn để giao tiếp với trẻ
2. Khi giao tiếp hoặc đưa ra yêu cầu người lớn cần ở vị trí ngang tầm mắt với trẻ, mặt đối mặt. Nếu trẻ không nhìn hãy gọi tên trẻ và yêu cầu trẻ nhìn bạn, nếu cao quá thì hãy ngồi xuống hoặc quỳ gối sao cho ngang tầm mắt với trẻ ( rèn luyện tiếp xúc mắt)
3. Đối với trẻ chưa có ngôn ngữ nói và ngôn ngữ hiểu còn hạn chế thì người lớn cần tăng cường tăng cường các kỹ năng lắng nghe, kỹ năng chơi cho trẻ bằng cách chơi cùng trẻ và diễn đạt những hoạt động, những trò chơi mà trẻ đang tham gia, đồng thời hãy hát và kể chuyện cho trẻ nghe. Những hoạt động này cần phải tiến hành thường xuyên, lặp đi lặp lại để tăng cường kỹ năng nhận thức, hiểu biết cho trẻ
VD: khi trẻ kéo tay người lớn đến tủ lạnh để tỏ ý muốn uống sữa thì người lớn hãy chạm lấy tay trẻ ( cầm vào ngón trỏ của trẻ) và chỉ về phía tủ lạnh đồng thời nói : con muốn uống sữa. Uống sữa ( người lớn nhắc lại hai ba lần rồi mới đưa cho trẻ)
4. Khi trẻ đưa ra bất kỳ yêu cầu gì bằng cách kéo tay người khác hoặc khóc lóc ăn vạ thì người lớn không nên đáp ứng ngay lập tức mà hãy lợi dụng cơ hội này để dạy cho trẻ biết sử dụng ngón trỏ để chỉ vào vật mà trẻ muốn và cách bắt chước âm thanh, hành động mà người lớn làm. Nếu chúng ta đáp ứng ngay lập tức những yêu cầu mà trẻ đưa ra, thì những hành vi tiêu cực của trẻ được củng cố và trẻ sẽ không phát triển ngôn ngữ nói vì nó hiểu rằng không cần phải nói mà chỉ cần khóc lóc, ăn vạ hoặc kéo tay người khác là đã có được điều trẻ muốn rồi. Để huấn luyện ngôn ngữ nói thành công thì điều kiện tiên quyết là dạy cho trẻ biết chỉ vào thứ mà trẻ muốn.
5. Huấn luyện ngôn ngữ cho trẻ là một công việc tiêu tốn nhiều thời gian cho nên người lớn cần bình tĩnh, kiên trì, linh hoạt và sáng tạo mới có thể giúp đỡ được trẻ. Tuyệt đối không nôn nóng vì khi nôn nóng bạn đã tự tạo áp lực cho bản thân, cho chính đứa trẻ và do đó chúng ta sẽ không có đủ kiên nhẫn, không đủ bình tĩnh để giúp trẻ.
6. Khi đưa ra yêu cầu với trẻ, cần phải cho trẻ thời gian để xử lý thông tin. Hãy đếm thầm khoảng 5-7 giây và chờ đợi phản ứng nếu trẻ không hiểu thì cần làm mẫu cho trẻ. Hãy lặp đi lặp lại nhiều lần với tốc độ vừa phải đối với mọi yêu cầu khi bạn muốn trẻ thực hiện
7. Tuyệt đối không nên để trẻ xem tivi một mình
8. Mọi người lớn trong gia đình cần thống nhất cách giáo dục và hình thành thói quen cho trẻ ở các môi trường khác nhau. Không nên nuông chiều theo ý trẻ.
VD: Khi không đáp ứng yêu cầu của trẻ, trẻ sẽ khóc lóc hoặc đánh bạn, bạn hãy kiên quyết nói không với trẻ, không đáp ứng yêu cầu của trẻ và bạn hãy giả lơ như không thèm để ý đến trẻ. Nếu những hành động này lặp lại nhiều lần thì sẽ làm cho trẻ hiểu rằng nó không được phép làm như vậy, và nó muốn điều gì thì nó phải chờ đợi và phải sử dụng ngôn ngữ để đưa ra yêu cầu với người khác.
9. Khi trẻ thực hiện được một phần nhỏ yêu cầu của bạn hãy khen ngợi và động viên trẻ ngay lập tức hoặc cho trẻ thứ mà trẻ thích
VD: Khi yêu cầu trẻ vỗ tay,nhưng trẻ chỉ biết giơ hai tay ra thì hãy khen ngợi trẻ, sau đó cầm tay hướng dẫn cho trẻ biết vỗ tay. Hãy lặp đi lặp lại nhiều lần hàng ngày đến khi trẻ hiểu
10. Tận dụng mọi tình huống như giờ ăn, giờ ngủ, tắm… để nói chuyện và chơi cùng trẻ và bạn hãy diễn tả những hoạt động đó bằng lới nói. Đây chính là cách tạo ra môi trường phát triển ngôn ngữ cho trẻ bởi vì trẻ có cơ hội lắng nghe, học hỏi, hiểu biết cũng như có cơ hội để bắt chước những hành vi của người khác
Vd: Trong giờ tắm của trẻ, bạn nói: nào chúng ta tắm nhé. Con nhìn này! Nước chảy! Nước chảy xuống! Chảy xuống ! Mát quá ! Dội nước lên đầu, dội nước lên tay… Tương tự với các hoạt động khác.
Nguồn: Sưu tầm
Mời bạn tham gia Group Thắp đèn xanh – Đồng hành cùng trẻ Tự kỷ để thảo luận, chia sẻ và đồng hành cùng các trẻ Tự kỷ nhé!