“Lúc cháu còn bé, nói ngọng thì cả nhà thấy dễ thương, hay hay, cứ nghĩ con lớn sẽ tự khỏi. Đến khi con sắp đi học vẫn líu lo, mình chủ quan nghĩ con lớn hơn nói bị bạn chê sẽ tự biết xấu hổ mà điều chỉnh”. Bố mẹ đã bao giờ có suy nghĩ giống như chia sẻ trên đây không ạ? Bố mẹ có biết con đang gặp vấn đề gì không? Bố mẹ có biết vấn đề trên sẽ mang tới cho con những hệ quả như thế? Ngay hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề nêu ở lời chia sẻ nhé?
Nói ngọng là gì?
Nói ngọng (còn gọi là phát âm sai, phát âm lệch chuẩn, phát âm lỗi) là tình trạng phát âm không rõ ràng, không rành mạch từng chữ khiến những người xung quanh không hiểu trẻ đang nói gì hoặc khá khó khăn khi hiểu. Nói ngọng có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, phổ biến nhất là ở trẻ em trong độ tuổi mầm non hoặc tiểu học.
Nói ngọng là tạo các thành phần của âm tiết bị sai lệch thành một âm khác,
bị mất hoặc nói không rõ âm. Nói ngọng có thể gồm: ngọng phụ âm đầu,
ngọng nguyên âm, hay phụ âm cuối và thanh điệu. Trẻ nói ngọng có thể
nói được rất nhiều từ, nói nhanh nhưng không rõ ràng
Một số nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng
Do thói quen: Nếu trẻ có dấu hiệu nói ngọng ngay từ giai đoạn tập nói, phụ huynh lại không chỉnh sửa đúng phát âm (trước 6 tuổi), lâu dần trẻ sẽ hình thành thói quen cho đến lúc trưởng thành.
Trẻ nhút nhát, tự ti: Khi trẻ nói sai, nếu bị cười chê trẻ sẽ có xu hướng trở nên rụt rè hơn, không dám nói hoặc cố gắng phát âm, việc này càng khiến trẻ dễ bị nói ngọng.
Ngậm núm vú giả: Việc cho trẻ ngậm núm vú giả khi còn bé sẽ khiến lưỡi của trẻ thè ra ngoài nhiều hơn bình thường, đặc biệt khi nói chuyện trẻ cũng có xu hướng thè lưỡi khiến âm thanh bị lệch chuẩn.
Rối loạn hành vi: Khi phụ huynh cho trẻ chơi game hoặc xem tivi quá nhiều, trẻ có xu hướng tiếp thu ngôn ngữ qua quá trình nhìn – nói (thông thường là nghe – nói) khiến hệ thính giác không được kích thích dẫn đến tình trạng rối loạn ngôn ngữ khi nói, kèm theo các triệu chứng cáu giận, hay la hét, tăng động.
Bắt chước: Khi trẻ đang tập nói hoặc đến các lớp học (mầm non, mẫu giáo) nếu có người mắc chứng nói ngọng, nói giọng địa phương (trong gia đình, bạn bè, thầy cô,…) trẻ có thể bắt chước theo.
Trẻ bị dị tật môi: Một số trẻ khi sinh ra đã gặp khiếm khuyết ở môi, răng, vòm miệng (hở hàm ếch, răng mọc lệch lạc, sứt môi, khớp cắn ngược, dính thắng lưỡi,…) có thể ảnh hưởng đến việc phát âm và gây nói ngọng.
Trẻ bị khiếm khuyết: Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng may mắn được phát triển bình thường, một số trường hợp trẻ bị bại não, có dấu hiệu thần kinh, giảm thính lực do dị tật ở tai,… có khả năng nói ngọng cao.
Trẻ nghe kém: Việc trẻ có dấu hiệu nghe kém do bẩm sinh, mắc bệnh viêm tai giữa mãn tính hoặc viêm tai xương chũm khiến trẻ tiếp thu âm thanh không rõ ràng, gây nói ngọng ở trẻ.
Bệnh đường hô hấp: Nếu trẻ mắc một số bệnh lý có liên quan đến hệ hô hấp khiến trẻ thường xuyên thở bằng miệng, lâu ngày việc phát âm của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng, gây nên hiện tượng nói ngọng
Tiếng địa phương: Trẻ chịu ảnh hưởng từ môi trường giao tiếp(mọi người giao tiếp bị ngọng và ngầm chấp nhận lỗi nói này)
Dấu hiệu nhận biết
– Âm thanh phát ra khi nói chuyện không rõ ràng, các âm tiết có thể bị mất âm, sai lệch âm, biến đổi thanh dấu (Ví dụ: con gà -> com gà, cô Thảo-> cô Hảo, bị ngã -> bị ngá)
– Nói nhanh nhưng âm ngữ phát ra khó nghe, khó hiểu.
– Một số trường hợp có biểu hiện nói chậm, nói khó, nói từng chữ không rõ âm.
– Cách cử động môi, lưỡi, hàm dưới,… khó khăn, chậm hoặc không đúng cách.
– Hơi thở ngắn, nhịp thở không đều khi cố gắng phát âm.
– Trẻ tự ti, ngại giao tiếp, nói nhỏ nói bé đôi khi kèm hiện tượng lặp từ
Ví dụ: “gạch”
Ngọng thành: “ạch” (Mất phụ âm đầu)
“ặt” (Mất phụ âm đầu, sai phụ âm cuối)
Ví dụ từ: “Chuỗi”
Nói thành: “Chuối” (Ngọng thanh điệu)
“Chúi” (Ngọng nguyên âm)
Cha mẹ cần lưu ý
Ở trẻ 2 tuổi thì trẻ có thể nói đúng phụ âm (b, m, d, n, h, g, c); ở trẻ 3-4 tuổi thì nói được phụ âm (ch, t, đ, v, ph, nh, ng, x); Đến khi trẻ 5- 6 tuổi có thể nói được phụ âm khó hơn (kh, s, th, r, tr).
Trong bài viết này chúng tôi đề cập tới các nguyên nhân có thể khiến con nói ngọng và các dấu hiệu nhận biết trẻ nói ngọng. Ở bài viết tới chúng tôi sẽ đề cập tới ảnh hưởng của nói ngọng đến sự phát triển của trẻ và một số bài tập/ biện pháp cải thiện ngôn ngữ cho trẻ.
Chúc các con có nhiều tiến bộ !