Rối Loạn Phổ Tự Kỷ là gì?
Tình trạng này thường xuất hiện sớm ở trẻ nhỏ, thậm chí là trẻ dưới một tuổi, với đặc điểm là trẻ gặp khó khăn với việc nói, giao tiếp phi ngôn ngữ và hành vi lặp đi lặp lại, theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA). Các triệu chứng của RLPTK có thể thuộc hai loại:
Các vấn đề về giao tiếp và tương tác xã hội: Theo APA, những vấn đề này có thể bao gồm khó khăn trong giao tiếp qua lại và không thể chia sẻ mối quan tâm hoặc cảm xúc.
Khó khăn liên quan đến con người, sự vật và sự kiện: Có thể bao gồm hiểu sai các dấu hiệu xã hội, gặp khó khăn trong việc kết bạn và khó hiểu biểu cảm trên khuôn mặt hoặc duy trì giao tiếp bằng mắt.
Số người có RLPTK có thể cao hơn con số mà các chuyên gia thừa nhận: Mặc dù số liệu gần đây nhất từ Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) chỉ ra rằng cứ 59 trẻ thì có 1 trẻ RLPTK, một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Nhi khoa Pediatrics cho thấy 1/40 số trẻ em ở Mỹ có tình trạng này.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
Các triệu chứng của OCD, chẳng hạn như không thể cưỡng lại việc rửa tay, lau chùi hoặc sờ vào các đồ vật như tay nắm cửa, có thể giống với những động tác lặp đi lặp lại trong RLPTK. Những người mắc OCD khó hướng sự tập trung ra khỏi nỗi ám ảnh của họ, một hiện tượng cũng gặp trong RLPTK.
Sự khác biệt chính là những người mắc OCD thường cảm thấy khó chịu, bận tâm hoặc dằn vặt bởi sự cưỡng bách của mình, trong khi những suy nghĩ lặp đi lặp lại hoặc gây phiền hà không phải lúc nào cũng khiến những người RLPTK bận tâm. Không giống như RLPTK, OCD có thể tấn công ở mọi lứa tuổi và xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, và OCD có thể được quản lý bằng liệu pháp trò chuyện và dùng thuốc.
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội biểu hiện mô hình coi thường hoặc xâm phạm quyền của người khác, có thể khiến một người hành động bừa bãi và coi thường các quy tắc xã hội.
Điều này nghe có vẻ giống với RLPTK, nhưng điểm khác biệt chính là những người mắc bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội hành động theo kiểu đeo đuổi mục tiêu, sử dụng bất kỳ phương tiện nào để thực hiện mục tiêu phục vụ cho bản thân họ.
Nói cách khác, hành vi của họ là để tiếp tục một lịch trình; với RLPTK, không có lịch trình hay động cơ thầm kín nào. Một điểm khác biệt nữa là tuổi thơ bị lạm dụng, bỏ bê và bạo hành có thể góp phần hình thành rối loạn nhân cách chống đối xã hội và điều đó chắc chắn không đúng với RLPTK.
Tâm thần phân liệt
Bệnh tâm thần nghiêm trọng này được đặc trưng bởi tư duy rời rạc hoặc phi logic, hành vi và lời nói kỳ quái, hoang tưởng hoặc ảo giác, như nghe thấy tiếng nói. Nó giống với RLPTK ở chỗ cả hai tình trạng đều bao gồm những vấn đề về nhận thức và xử lý cảm giác, cả hai dường như đều có tính gia đình và cả hai đều liên quan đến sự phát triển não không điển hình.
Và cả hai tình trạng đều có thể dẫn đến sự cách ly với xã hội và thiếu nhạy cảm về mặt cảm xúc. Tuy nhiên, tâm thần phân liệt hay được chẩn đoán hơn ở tuổi trưởng thành; Ngoài ra, RLPTK không bao gồm hoang tưởng và ảo giác.
Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực (lưỡng cực I và lưỡng cực II) là những rối loạn ở não gây ra những thay đổi về tâm trạng, năng lượng và khả năng hoạt động của một người, theo APA. Người bị rối loạn lưỡng cực phải chịu các trạng thái cảm xúc cực đoan và dữ dội được gọi là các cơn cảm xúc; có thể là hưng cảm, thờ ơ hoặc trầm cảm.
Trong cơn trầm cảm, người mắc chứng rối loạn lưỡng cực sẽ cách ly khỏi xã hội, dễ bị phân tâm và hành động bột phát – tất cả đều là những đặc điểm có thể gặp trong RLPTK. Sự khác biệt là ở chỗ các cơn này lúc có lúc hết ở những người bị rối loạn lưỡng cực. Ngoài ra, những người bị rối loạn lưỡng cực có thể được điều trị thông qua kết hợp giữa liệu pháp trò chuyện và dùng thuốc.
Rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu toàn thể (GAD) bao gồm lo lắng dai dẳng và quá mức cản trở các hoạt động hàng ngày. Theo APA, tình trạng lo lắng và căng thẳng liên tục này có thể đi kèm với các triệu chứng thực thể, như bồn chồn, cảm giác khó chịu hoặc dễ mệt mỏi, khó tập trung, căng cơ và các vấn đề về giấc ngủ. Điểm khác nữa với RLPTK là GAD cực kỳ phổ biến, 18% người Mỹ bị rối loạn lo âu, theo Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Hoa Kì. Và, không giống như RLPTK, GAD dễ tấn công phụ nữ hơn nam giới.
Các rối loạn học tập
Về cơ bản, đây là bất kỳ khuyết tật nào cản trở việc đọc, viết và làm toán, theo APA. Trong khi trẻ RLPTK cũng sẽ gặp nhiều khó khăn với việc học, nhưng trẻ có khả năng tập trung cao độ và hiểu sâu sắc về chủ đề mà trẻ hứng thú. Đối với trẻ RLPTK, cuộc chiến đấu chủ yếu bao gồm hiểu biết xã hội, giao tiếp và các thói quen hoặc hành vi lặp đi lặp lại, bao gồm cả những sở thích hẹp và ám ảnh. Những triệu chứng này là không điển hình ở trẻ có vấn đề về học tập và chú ý.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
Có thể có sự chồng lấn giữa các triệu chứng tự kỷ và ADHD – khó tập trung, tăng động và hấp tấp bột phát. Nhưng trong khi trẻ ADHD sẽ phản kháng lại trật tự và sự lặp lại, thì những điều như vậy lại có thể dễ chịu đối với một trẻ RLPTK.
Trẻ RLPTK có thể rất miễn cưỡng khi phải nói chuyện hoặc giao tiếp với người khác trừ khi họ nói về chủ đề mà trẻ hứng thú; với ADHD, trẻ sẽ nói chuyện không cưỡng lại được, thường xuyên và ngắt lời người khác. Theo ước tính của APA, có khoảng 8,4% trẻ em và 2,5% người lớn mắc ADHD và giống như RLPTK là nó hay gặp ở nam giới.
Rối loạn stress hậu chấn thương (PTSD)
PTSD có thể bao gồm những hành vi tương tự một số triệu chứng của tự kỷ – ác mộng, bùng nổ cảm xúc, cảm giác tách biệt hoặc lạnh nhạt. Nhưng như APA chỉ ra, PTSD thường là kết quả của một sự kiện gây sang chấn, cộng với việc nó hay tấn công phụ nữ gấp đôi so với nam giới. (RLPTK phổ biến ở trẻ em nam hơn trẻ em nữ.) Ngoài ra, PTSD có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý và liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT) và dùng thuốc.
Hội chứng Tourette
Theo Hiệp hội Bệnh Tourette Hoa Kì, rối loạn này có thể bao gồm máy giật cơ như nháy mắt, nhún vai liên tục, lẩm bẩm hoặc nói một số cụm từ không muốn. Sự thiếu kiểm soát về chuyển động và phát âm cũng xuất hiện trong RLPTK và rối loạn Tic, nhưng sự khác biệt lớn nhất giữa RLPTK và rối loạn Tic là rối loạn Tic có thể giảm hoặc hết khi trẻ lớn lên, theo Hội Tâm lý Trẻ em và vị thành niên Mỹ.
Nguồn: Nuoicontuky
Mời bạn tham gia Group Thắp đèn xanh – Đồng hành cùng trẻ Tự kỷ để thảo luận, chia sẻ và đồng hành cùng các trẻ Tự kỷ!