Floortime “ngồi sàn” là phương pháp giáo dục/ trị liệu dựa vào sự phát triển cá nhân và quan hệ cá biệt, tiếng Anh gọi là Developmental Individual – Difference Relationship-Based Model, viết tắt DIR.
Ở Mỹ, Floortime hay phương pháp ngồi sàn được chuyên gia Stanley Greenspan khởi xướng vào thập niên 80. Phương pháp này được soạn thảo dựa vào mặt mạnh và mặt yếu của trẻ tự kỷ (strengths and challenges) nhằm hỗ trợ các giáo viên, chuyên viên, kể cả phụ huynh trong vấn đề giáo dục và trị liệu tự kỷ ở gia đình hay ở trường học.
Mô Hình DIR hay Floortime đòi hỏi sự hợp tác của tập thể, bao gồm các chuyên viên trị liệu về nói/ngôn ngữ (speech language pathologists), chuyên viên trị liệu vận động vật lý và cơ năng (physical and occupational therapists), giáo viên, phụ huynh, và những bác sĩ chuyên ngành.
Mô Hình DIR hay Floortime lấy sở thích tự nhiên (natural interests) và lối chơi chọn lựa theo ý muốn của trẻ (player preference) làm điểm tựa để phát triển trí tuệ và kỹ năng giao tiếp xã hội, xây dựng và duy trì mối quan hệ về cảm xúc (emotional relationship) giữa trẻ và giáo viên, chuyên viên hướng dẫn chương trình. Ngoài ra, phương pháp này đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của phụ huynh trong suốt quá trình giáo dục/trị liệu.
Mô Hình DIR/Floortime có hiệu quả như thế nào đối với trẻ tự kỷ?
Mô Hình DIR hay Floortime được xây dựng trên lý thuyết phát triển tâm lý trẻ em, và có 3 phần đoạn chính:
1) D trong DIR, viết tắt của từ Developmental, là phần soạn thảo sự giáo dục/trị liệu căn cứ vào chặng tuổi hay giai đoạn đang phát triển của trẻ tự kỷ (developmental stage of the child).
2) I trong DIR, viết tắt của từ Individual, là phần soạn thảo đúng với sự cá biệt, chú trọng về mặt điều hòa cảm giác (sensory motor processing and regulation) của trẻ tự kỷ. Ví dụ: Giáo viên, chuyên viên cần tìm hiểu trẻ tự kỷ nhận biết và phản ứng rất nhạy cảm hay thiếu nhạy cảm khi nghe âm thanh, ngửi và sờ chạm vật thể như thế nào trong những môi trường sinh hoạt, học tập.
3) R trong DIR, viết tắt Relationship, là phần kết nối mối quan hệ giữa trẻ tự kỷ với các giáo viên, chuyên viên, bạn học, phụ huynh nhằm nâng cao kỹ năng tổng quát. Để có một kế hoạch giáo dục/trị liệu riêng, trẻ cần phải có sự thẩm định về mặt phát triển cảm xúc (an assessment of the child’s emotional development), nhu cầu và hiệu năng trong giai đoạn hiện tại.
Mục đích của DIR/Floortime là giúp trẻ tự kỷ leo lên từng bậc, bắt đầu từ bậc thang thấp nhất về mặt chậm phát triển nào đó.
Floortime có 6 giai đoạn phát triển được liệt kê như sau:
1) Tự kiềm chế và chia sẻ sự chú ý (self-regulation and shared attention): Ở giai đoạn khởi đầu này, giáo viên, chuyên viên tạo cơ hội cho trẻ dạn dĩ, làm quen và chú tâm với cảnh vật chung quanh.
2) Nhập cuộc và thân thiện (engaging and relating): Trong giai đoạn này, giáo viên, chuyên viên tạo sự thân mật bằng cách làm người mẫu để dạy trẻ cười, cất tiếng nói, gần gũi với các bạn cùng lớp.
3) Sự trao đổi ngôn ngữ hai chiều và có chủ đích (two-way intentional communication): Giai đoạn này đòi hỏi sự giao tiếp xã hội bằng ngôn ngữ hai chiều, có qua có lại, giữa giáo viên, chuyên viên và trẻ tự kỷ quanh vòng đối thoại trên sàn hay nền nhà (circle of communication). Ví dụ: Trẻ tham gia cuộc chơi, ánh mắt hướng về đồ vật nào đó (chiếc tàu lửa) trên mặt đất thì người lớn sẽ cầm vật đó đưa cho trẻ, và vòng tròn khép lại khi trẻ cầm được vật trẻ muốn.
4) Sử dụng ngôn ngữ có chủ đích và phức tạp hơn để giải quyết vấn đề (purposeful, complex, problem-solving communication): Dựa vào 3 giai đoạn nêu trên, mục đích giáo dục/trị liệu trong giai đoạn này chính là huấn luyện trẻ tự kỷ dùng ngôn ngữ để giải quyết vấn đề trẻ cần gì, muốn gì trong lớp học, thay vì nằm vạ, khóc, cào cấu bản thân.
5) Sáng tạo, phát triển sự nhận hiểu và ứng dụng dấu hiệu: Qua dấu hiệu và những cách thức chơi giả vờ (pretend play), các giáo viên, chuyên viên giúp trẻ biết sử dụng ngôn ngữ để bày tỏ những gì trẻ cần, trẻ muốn, và biết diễn đạt ý nghĩ, cảm nghĩ của trẻ về điều gì đó.
6) Kết hợp dấu hiệu (building bridges between symbols): Ở giai đoạn này, sự kết hợp giữa khả năng sử dụng ngôn ngữ và giao tiếp xã hội của trẻ tự kỷ phải ở mức độ cao hơn so với các giai đoạn trước. Ví dụ: Các giáo viên, chuyên viên khuyến khích trẻ bày tỏ ý tưởng, cảm nghĩ, bàn luận, trao đổi ý kiến, hoặc biết cách thương lượng về vấn đề nào đó.
Nói chung, theo Mô Hình DIR/Floortime, kế hoạch giáo dục /trị liệu được soạn thảo gồm nhiều hoạt động, chủ yếu là chơi đùa (play-based), phù hợp với bậc thang phát triển, sở thích của trẻ.
Mọi người nói gì về Model DIR/Floortime trên mạng?
Trên mạng, Floortime ít bị “ném đá” hơn so với những phương pháp trị liệu tự kỷ khác. Đa số các phụ huynh hài lòng vì kế hoạch soạn thảo của Floortime có tính cá nhân, đúng theo nhu cầu hay khiếm khuyết của trẻ tự kỷ, dễ hiểu, uyển chuyển và thực dụng, mặc dù Floortime hay phương pháp ngồi sàn đòi hỏi sự kiên trì, hy sinh nhiều thời gian, sức lực, tiền bạc của phụ huynh, cũng như phải có sự đầu tư vào cách thức tổ chức lớp học, nhất là các giáo viên, chuyên viên phải có kinh nghiệm và trình độ giảng dạy/trị liệu bằng phương pháp nầy.
Các chuyên gia tự kỷ nhận định như thế nào về Model DIR/Floortime?
Phương pháp Floortime hay ngồi sàn không thể đứng độc lập, chỉ là một bộ phận trong kế hoạch giáo dục/trị liệu, và phải đi kèm với nhiều dịch vụ liên hệ khác, chẳng hạn dịch vụ vận động, nói/ngôn ngữ, v.v… Sự lệ thuộc này là một trong những nguyên nhân khiến những chuyên gia tự kỷ khó thu thập đầy đủ dữ kiện khoa học để đi đến kết luận chính xác hơn về tính hiệu quả của Model DIR/Floortime.
Hiện tại, chỉ có những nghiên cứu do chính nhóm chủ xướng hay tín đồ của Floortime thực hiện, và họ báo cáo những thành quả tốt đẹp về sự phát triển về cảm xúc, quan hệ bạn bè, khả năng trí tuệ của trẻ tự kỷ qua phương pháp ngồi sàn. Tuy nhiên, những gì họ nói đều thiếu tính khách quan, vi phạm nghiêm trọng về nguyên tắc “xung đột quyền lợi” (conflict of interests), khiến chưa thể tin cậy được.
Năm 2009, Trung tâm Nghiên Cứu Tự Kỷ (the National Autism Center National Standard Project) đánh giá và xếp Model DIR/Floortime vào dạng trị liệu tự kỷ có triển vọng (emerging treatment), nhưng cần phải có sự điều tra sâu rộng hơn bởi những chuyên gia không lệ thuộc trường phái này.
Phụ huynh cần lưu ý rằng Model DIR/Floortime không phải là phương pháp trị liệu ngắn ngày. Một chương trình can thiệp tích cực và đúng nghĩa với Model DIR/Floortime phải kéo dài từ 2 tiếng đến 5 tiếng mỗi ngày, và phải thực hiện liên tục trong nhiều năm mới có hiệu quả.
Ưu và khuyết điểm của Model DIR/Floortime
– Tuổi tác: Hiệu quả hơn nếu trẻ tự kỷ còn nhỏ tuổi.
– Ý kiến của phụ huynh về Floortime: Khá tốt và dễ tìm kiếm.
– Dữ kiện hay bằng chứng khoa học: Quá ít.
– Tốn kém thời gian, tiền bạc: Quá nhiều.
Nguồn:
1) Engaging Autism: Using the Floortime Approach to Help Children to Relate, Communicate and think (2006) by Greenspan, S. I, and Wieder, S.
2) ICDL (Interdisciplinary Council on Developmental and Learning Disorders) about DIR/Floortime (2012)
3) Climbing the Symbolic Ladder in the DIR model Through Floor Time/Interactive Play (2003) by Greenspan, S. I, and Wieder, S.
4) ICDL – Floortime Overview (2012)
5) National Autism Center. (2009). The National Standard Project: Addressing the Need for Evidence Based Practice Guidelines for Autism Spectrum Disorder.
6) The Early Intervention Network (2012). Enabling Family to Act Early Against Autism: Sorting Through Autism Treatments.
7) A Brief Guide to Autism Treatments (2014) by Elisabeth Hollister Sandberg, PhD, and Becky L. Spritz, PhD.
8) Phụ huynh Danang Ho
Mời bạn tham gia Group Thắp đèn xanh – Đồng hành cùng trẻ Tự kỷ để thảo luận, chia sẻ và đồng hành cùng các trẻ Tự kỷ!