Phương pháp hoạt động Tâm Vận động Bernard Aucouturier(1)
Tâm vận động có nhiều trường phái:
* Trường phái theo Bernard Aucouturier.
* Trường phái thể dục nhịp điệu.
* Trường phái âm nhạc.
Ở đây chúng ta đề cập đến Tâm vận động thuộc Trường phái Bernard Aucouturier, ông là người Pháp sống ở Tours. Ông đặc biệt nghiên cứu về hoạt động của cơ thể trẻ, xúc động tình cảm, giao tiếp xã hội, tư duy, nhận thức.
Kể từ năm 1976, phương pháp của ông được ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới, như ở Ý, ở Tây Ban Nha, ở Bồ Đào Nha, ở Bỉ, ở Argentina, ở Mexico, ở Brazil, ở Việt Nam (kể từ 2009 đến nay). Năm 1986, ông là chủ tịch, là người sáng lập ra Asefop- là Hiệp hội Châu Âu về đào tạo Tâm vận động.
Tâm vận động là gì?
Tâm vận động: Tâm lý – vận động: Psychology – motor, Psychomotor. Tâm vận động là hoạt động của các giác quan, cơ bắp dưới sự điều khiển của não bộ. Tùy vào mức độ trưởng thành của não bộ mà nó chỉ đạo các hoạt động vận động cơ thể của con người.
Phương pháp hoạt động Tâm vận động là gì?
Là một phương pháp can thiệp thuộc lĩnh vực tâm lý và giáo dục, nhằm giúp trẻ phát triển một cách đồng bộ trong mọi lĩnh vực đời sống của con người. Tâm vận động là một phương pháp tác động qua vận động cơ thể giúp trẻ biểu lộ cảm xúc đồng thời qua vui chơi giúp trẻ phát triển các yếu tố hình thành nhân cách của trẻ như: yếu tố về vận động, cơ thể, tâm sinh lý, giao tiếp xã hội và nhận thức. Nhấn mạnh vai trò của những hành vi hoặc tác phong vận động.
Phương pháp tâm vận động tác động vào những thành phần nào?
Các thành phần bao gồm:Trương lực cơ-âm hưởng trương lực cảm xúc, trải nghiệm vận động, các yếu tố không gian và thời gian, sơ đồ cơ thể và hình ảnh cơ thể, các trò chơi vận động, trò chơi biểu tượng, tạo hình, câu chuyện, trong một không gian được coi là phòng tâm vận động, bao gồm các dụng cụ, đồ vật, được sắp xếp theo nhiều không gian khác nhau như nơi đón tiếp, không gian chơi vận động, không gian nghe kể chuyện, không gian để trẻ chơi tạo hình (Có hình ảnh minh họa), đặc biệt là trong một mối quan hệ hỗ tương mang tính đồng hành, nâng đỡ, thường trực liên tục giữa nhà tâm vận động và trẻ, trong một bối cảnh phối hợp toàn diện với gia đình, nhà giáo dục và nhà trường.
Trương lực cơ :là trạng thái căng tối thiểu thường trực của cơ khi đứng yên. Các thông tin bên trong và bên ngoài cơ thể tác động đến nó cho tới toàn bộ hệ thống thần kinh. Người ta phân chia ra 3 loại trương lực cơ : trương lực cơ nền, trương lực cơ tư thế và trương lực cơ của hành động và diễn đạt. Trương lực cơ đa dạng, theo cách tự nguyện hoặc không tự nguyện, tùy theo các trình trạng thể lý, cảm xúc và tâm lý, liên quan đến bối cảnh của chúng và các sự kiện xảy ra.Trương lực cơ biến đổi trong mối quan hệ với người khác. Đó là nền tảng của giao tiếp. Sự cân bằng trương lực cơ phụ thuộc vào sự trưởng thành của hệ thần kinh, các trải nghiệm tâm thể và mối quan hệ và cả việc học tập.Trong tâm vận động, trương lực cơ được coi như phông nền của cảm xúc. Sự trưởng thành trương lực cơ kéo theo các quy luật của sự phát triển thể lý thần kinh và mối quan hệ. Sự trưởng thành này phụ thuộc vào các trải nghiệm cơ thể cảm giác, vận động và tâm lý.
Hội thoại trương lực cơ là dạng giao tiếp mẹ con đầu tiên (Winnicott, 1971). Hội thoại trương lực- cảm xúc bao hàm tất cả mọi dấu hiệu cơ thể : giọng nói, ánh nhìn, sự sờ chạm, sự gần gũi, mùi, chất lượng của sự bồng bế, sự tổ chức thời gian trong bối cảnh. Những trao đổi hay « sự so dây » sẽ cho phép đứa trẻ tạo đựng cảm nhận an toàn, xây dựng nên một cá thể phát triển và tạo các nền tảng về hình thành giao tiếp ngôn ngữ sau này. Bất kể tuổi tác của chủ thể, tất cả mọi cuộc gặp với ai đó cũng diễn ra hội thoại trương lực cơ. Hội thoại trương lực cơ là nền tảng của cử chỉ, của tâm vận động, truyền đạt các cảm nhận và trải nghiệm của chủ thể.
Nhà tâm vận động phải nhận ra và phát triển khả năng giao tiếp trương lực-tình cảm trong các mối quan hệ được xây dựng với trẻ để mở ra và khuyến khích kiểu diễn đạt này ở trẻ. Trong sự tham gia của cơ thể, nhà tâm vận động nhấn mạnh trên sự liên chủ thể thông qua đối thoại trương lực cơ. Sự hiểu biết trương lực cơ sẽ cho phép nhà tâm vận động hiểu các rối loạn cảm xúc và tình cảm có thể tác động như thế nào đến sự phát triển vận động và ảnh hưởng đến tư thế, vận động, thể hiện không gian, các ứng xử cảm giác, và ngôn ngữ. Can thiệp của nhà tâm vận động đối mặt với các rối loạn trương lực- cảm xúc vừa mang tính kỹ thuật vừa mang tính quan hệ.
Vận động thô và vận động tinh:
Vận động thô liên quan đến các phối hợp năng động nói chung (đi bộ, chạy, nhảy) và sự cân bằng ổn định và tư thế, các điều hòa của chi trên, chi dưới. Vận động tinh là tập hợp các hành động chủ yếu diễn ra trên bàn tay (chẳng hạn sự nắm được) và khuôn mặt. Độ chính xác của những cử chỉ như phụ thuộc vào quá trình myelin hóa (trưởng thành của hệ thần kinh) cũng như sự điều hòa trương lực cảm xúc.
Không gian và thời gian:
Không gian: Biểu tượng về không gian là một chức năng tâm vận động bởi không gian là khung bao chứa tất cả mọi hành động, suy nghĩ, cuộc gặp gỡ, việc học tập. Những kỹ năng được thiết lập trong không gian thì không thể thiếu để thích nghi.
Biểu tượng không gian là sự tìm kiếm cho phép sự khám phá. Kinh nghiệm này có liên quan đến kỹ năng vận động và thị giác của trẻ em cũng như tâm lý tự lập.Những chiều kích khác nhau của không gian được khám phá nhờ có các hành vi vận động (như sự di chuyển, thao tác, quan sát, lắng nghe). Thích nghi với không gian, đó chính là sự hòa hợp giữa không gian bên trong cơ thể và không gian môi trường bên ngoài của nó. Sự kết nối năng động này được thực hiện trong một không gian chuyển tiếp nơi diễn ra sự gặp gỡ giữa cơ thể và vật thể.
Thời gian: Đứa trẻ sẽ học cách đặt mình ở trong thời gian và cấu trúc thời gian.Một vận động hòa hợp là vận động theo nhịp.Những trao đổi đầu tiên về trật tự trương lực- cảm xúc được tổ chức bằng sự tiếp nối nhịp điệu phức tạp dựa trên sự luân phiên của trạng thái co và thư giãn (căng và thả lỏng). Những can thiệp đều đặn của người lớn hòa nhịp với các nhu cầu thể lý của trẻ, cho phép trẻ ghi nhớ, tiên đoán, tự chuẩn bị và hòa nhập vào trong một khung cảnh được đại diện bởi nhịp điệu.
Sơ đồ cơ thể và hình ảnh cơ thể
Sơ đồ cơ thể là biểu tượng tinh thần của cơ thể riêng trong trạng thái tĩnh và chuyển động.Hình ảnh cơ thể, là hình ảnh của cơ thể riêng của chúng ta khi chúng ta xuất hiện với chính mình và có thể khác với thực tế diễn ra.Thuật ngữ hình ảnh cơ thể thường được sử dụng để gợi lên những chiều kích vô thức của mối quan hệ chúng ta có với cơ thể của chính mình và của người khác.Tất cả can thiệp của tâm vận động đều xoay xung quanh hình ảnh cơ thể, sự tham gia hình ảnh cơ thể của nhà tâm vận động cũng như hình ảnh của chủ thể. Sơ đồ cơ thể và hình ảnh cơ thể là những khái niệm quan trọng trong tâm vận động. Trong mối liên hệ với không gian, trương lực cơ, tư thế, sự cân bằng cũng nhưng cảm xúc, chúng liên quan đến các cơ sở cũng như thể tạng của chủ thể và cả sự tồn tại của nó.Việc hòa nhập hình ảnh cơ thể, sự đầu tư của hình ảnh cơ thể và thiết lập các giới hạn cơ thể là những bước đi cần thiết trong việc xây dựng tính tự lập của chủ thể và sự phát triển các khả năng của mình để thích nghi.
Trò chơi và tiến trình tạo an toàn nội tâm thông qua trò chơi:
Theo Aucouturier, bất kỳ trẻ em nào sinh ra đều trải nghiệm ít nhiều những lo hãi xa xưa (angoisse archaique) như lo hãi bị tan biến, lo hãi bị rơi, lo hãi bị tan ra từng mảnh, lo hãi chia ly…Đặc biệt, đối với trẻ tự kỷ, những lo hãi bị rơi, bị biến mất cơ thể là những lo hãi đặc trưng. Do đó, để giảm thiểu sự bất an vốn có từ sớm trong sự non nớt của trẻ sơ sinh, sự không an toàn gây cản trở cho đứa trẻ trong tiến trình phát triển của nó, nhà thực hành nâng đỡ trẻ thông qua các trò chơi phù hợp, huy động trẻ tái thiết lập tiến trình an toàn nội tâm, chẳng hạn thông qua những trò chơi vận động-cảm giác như chạy, tuột, nhảy, chui, lăn…;đến những trò chơi vận động biểu tượng như được bảo bọc, chơi sắm vai-đồng nhất hóa, đến những trò chơi sử dụng các biểu tượng và ngôn ngữ như vẽ, kể chuyện, tạo hình. Điều quan trọng trong phương pháp này là nhà tâm vận động không áp đặt đứa trẻ phải chơi theo một cách nào nhất định, mà đứa trẻ sẽ được tự do trong việc thể hiện vận động và ý muốn của trẻ, để chính trẻ tìm thấy được niềm vui thích trong hoạt động chơi đó, niềm vui thích được chơi được củng cố không ngừng chính là con đường đưa trẻ đến sự khám phá thế giới xung quanh, sự tò mò học hỏi.
Về nhà tâm vận động: Họ phải là người được đào tạo bài bản ở ba cấp độ: lý thuyết, thực hành và đào tạo cá nhân. Nhà tâm vận động (NTVĐ) phải đảm bảo sự an toàn, các quy tắc và giới hạn. NTVĐ phải đảm bảo tính liên tục và sự tôn trọng khung bao chứa. NTVĐ tiếp nhận, động viên và cấu trúc những sáng kiến của trẻ để tạo thuận lợi cho tiến trình trưởng thành của trẻ. NTVĐ luôn luôn phải lắng nghe âm hưởng trương lực-cảm xúc (cũng có thể được gọi là hội thoại trương lực cơ) diễn ra giữa chính họ và trẻ, để điều chỉnh nhịp điệu sao cho phù hợp với trương lực cảm xúc của trẻ. Họ luôn phải quan sát một cách kỹ càng các trải nghiệm vận động của trẻ để cắt nghĩa hành vi của trẻ và đáp ứng với nhu cầu của trẻ thông qua trải nghiệm vận động đó.
Các cấp độ của phương pháp Tâm vận động Aucouturier
Phương pháp Tâm vận động Aucouturier được phân ra ba cấp độ thực hành, bao gồm: Hỗ trợ giáo dục và phòng ngừa, Hỗ trợ nhóm và Trị liệu cá nhân
Cấp độ 1: Giáo dục Tâm vận động
Thực hành giáo dục Tâm vận động cho phép dự báo một số rối loạn phát triển. Nó cũng là điều kiện tiên quyết không thể thay thế để chuẩn bị cho khả năng gia nhập xã hội và tham gia vào việc học tập. Cấp độ này có thể thực hiện với nhóm lớn khoảng 20 trẻ bình thường, ở trong các trường mầm non hòa nhập.
Cấp độ 2: Hỗ trợ nhóm
Một số trẻ không được ưu tiên tham gia vào một nhóm thực hành mang tính giáo dục, bởi hành vi của trẻ thể hiện thái quá, lặp lại, kém trưởng thành, ức chế….không cho phép trẻ chơi với trẻ khác và đòi hỏi một can thiệp mang tính chú ý của nhà tâm vận động. Những trẻ em này vẫn được hưởng lợi từ một tình huống nhóm và tương tác với những người khác dưới con mắt cảnh giác của nhà chuyên môn.
Các nhóm hỗ trợ thông thường bao gồm 3-6 trẻ em mong manh về mặt cảm xúc, tuổi từ 4-7 tuổi.
Cấp độ 3: Trị liệu cá nhân
Trị liệu cá nhân được chỉ định khi khó khăn của trẻ cần một sự điều chỉnh về hệ thống thái độ của nhà tâm vận động. Đứa trẻ không hoàn toàn thoát ra khỏi thế giới xa xưa mà thể hiện chúng qua diễn đạt vận động của nó : xung năng không ngừng hoặc ngược lại ức chế vận động, rối loạn trương lực và vận động, biểu hiện về mặt cơ thể các lo hãi, tràn ngập những ý nghĩ bằng tưởng tượng, mối quan hệ toàn năng với người khác, chưa đạt được sự cấu trúc về mặt cơ thể kể cả trong không gian và thời gian, thiếu giới hạn….. Sự thiếu thốn niềm yêu thích và sự cắm chốt các hành vi cũng được coi là những dấu hiệu thể hiện sự tắc nghẽn trong sự phát triển.
Mục tiêu của phương pháp là:
- Phát triển vận động thô: Ngồi, bò, trườn, chạy, lăn, đứng yên, bất động….
- Phát triển vận động tinh: khéo léo đôi bàn tay, cơ ngón tay, khuỷu tay….
- Phát triển ngôn ngữ giao tiếp, cảm xúc, nhạy bén khi ứng xử, biết chia sẽ, làm chủ bản thân
- Phát triển các giác quan
- Phát triển tư duy, nhận thức: bản thân, không gian vận động: trên dưới, trước sau, trong ngoài…Nhận thức bản thân, đối xứng, chân, tay, đầu bụng, lưng vai…trẻ có 1 cơ thể thống nhất khác với người khác(bố mẹ, thầy cô, các bạn..)
* Đối với trẻ:
– Giúp trẻ bộc lộ con người của trẻ qua :
+ Niềm vui sáng tạo.
+ Niềm vui khám phá cơ thể.
+ Niềm vui chia sẻ: Quan hệ giao tiếp xã hội.
+ Khẳng định bản thân: làm chủ bản thân, tự tin, tự lập.
+ Niềm vui thể hiện cảm xúc.
Nguồn: Thắp Đèn Xanh- Đồng Hành Cùng Trẻ Tự Kỷ
Mời bạn tham gia Group Thắp đèn xanh – Đồng hành cùng trẻ Tự kỷ để thảo luận, chia sẻ và đồng hành cùng các trẻ Tự kỷ!