Mô tả chung
Tự lập là một kỹ năng được đánh giá rất cao trong xã hội vì nó giúp tăng khả năng thành công trong mọi tình huống và hoàn cảnh.
Trẻ có thể thực hiện một số công việc mà không cần tới sự giám sát của người lớn, và trong một số trường hợp trẻ cần phải làm quen với việc sẽ không có người lớn giúp đỡ. Các chiến lược Tự quản lý (self-management strategies)có thể rèn luyện khả năng tự lập cho trẻ trong các tình huống như vậy. Phương pháp này bao gồm việc dạy cho trẻ tự kỷ cách đánh giá và ghi chép lại kết quả đạt được khi thực hiện một hoạt động nào đó. Phương pháp này cũng hướng dẫn trẻ cách đạt được những phần thưởng dành sau khi hoàn thành tốt công việc.
Thông tin cơ bản
Phương pháp Tự quản lý đã chứng tỏ là một phương pháp can thiệp có hiệu quả đối với những trẻ:
• Trong độ tuổi 3-18
• Được chẩn đoán tự kỷ
• Cần cải thiện các kỹ năng học tập, kỹ năng tương tác và tự điều chỉnh
Mô tả cụ thể
Các chiến lược Tự quản lý tập trung vào việc dạy trẻ tự ý thức và điều chỉnh hành vi của chính mình để có thể hạn chế sự giúp đỡ hay giám sát từ người lớn. Trước khi bắt đầu can thiệp bằng phương pháp tự quản lý, cần chú ý:
• Đảm bảo rằng trẻ có thể thực hiện được mọi bước của nhiệm vụ được giao. Ban đầu bạn có thể cần phải dùng đến những phương pháp khác như làm mẫu trực tiếp hay bằng video để dạy cho trẻ các kỹ năng cơ bản.
• Tất cả chúng ta đều làm việc để đạt được “phần thưởng” nào đó – ví dụ như tiền lương, hay một nụ cười của con bạn! Vì vậy, trước khi bắt đầu, hãy đảm bảo bạn đã xác định được “phần thưởng” hay tác nhân củng cố nào sẽ có ý nghĩa đối với con bạn.
Sau khi hoàn thành mỗi bước của hoạt động, trẻ nên tự đánh giá xem mình đã thực hiện tốt hay chưa. Quá trình đánh giá nên bao gồm:
• Các tiêu chí rõ ràng để trẻ biết khi nào mình hoàn thành tốt nhiệm vụ và khi nào còn thiếu sót
• Một phương thức thống nhất dùng để đánh giá kết quả đạt được (ví dụ bảng các công việc cần làm để trẻ đánh dấu khi đã hoàn thành. Bạn cũng có thể dùng bảng có chia cột Chưa hoàn thành/Hoàn thành và dùng hình mặt cười 🙂 để đánh dấu tiến độ hoàn thành mỗi nhiệm vụ.
• Người lớn có thể đưa ra những góp ý chung về tính chính xác trong ghi chép của trẻ. Đôi khi có thể cần phải gợi ý để trẻ học cách tự ghi chép một cách chính xác hành vi của mình.
• Người lớn có thể hướng dẫn trẻ tiếp cận với các tác nhân củng cố sau khi trẻ đã đáp ứng được các tiêu chí được thiết lập trước đó.
• Tập trung trước hết vào tính chính xác trong việc ghi chép chứ không phải trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao
• Một kế hoạch mang tính hệ thống nhằm giảm dần số lần đưa ra gợi ý trong quá trình can thiệp.
Phương pháp tự quản lý giúp trẻ:
• Tạo lập nhận thức về hành vi của bản thân
• Có trách nhiệm với công việc mình thực hiện
• Tự phản hồi một cách trực tiếp và tức thì khi ghi chép lại thông tin của chính bản thân
• Thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc (vừa thực hiện hành vi đồng thời ghi chép lại để đánh giá)
• Tự lập trong các sinh hoạt cá nhân đơn giản mà không cần sự trợ giúp hay hướng dẫn của người lớn,
Ví dụ
Con gái anh Tipson là Ashley, 17 tuổi, và được chẩn đoán tự kỷ. Cô bé rất thích đi mua hàng ở cửa hàng tạp hóa. Ở cửa hàng cô bé thường quên mất cần phải mua gì và cho vào giỏ những thứ không cần thiết, và bắt đầu biểu hiện các hành vi có vấn đề,như la hét, khi bố bảo cô bé trả lại những thứ không cần. Anh Tipson quyết định sẽ làm việc cùng với chuyên gia hành vi của Ashley để xây dựng một chương trình tự quản lý cho con gái.
Anh Tipson và chuyên gia hành vi đưa ra 6 tiêu chí mà họ nghĩ là cần thiết để tăng tính tự lập của Ashley và ngăn không cho những hành vi quấy khóc bộc phát. Họ cũng thống nhất rằng cô bé có thể đánh giá công việc của mình nếu được chỉ dẫn. Họ lập ra một bảng trong đó liệt kê 6 tiêu chí đã chọn. Ở dưới mỗi tiêu chí, Ashley sẽ khoanh tròn từ “Có” nếu cô bé hoàn thành một bước và “Không” nếu cô bé không hoàn thành bước đó. 6 tiêu chí đó là:
1. Chỉ cho vào giỏ những thứ có trong danh sách cần mua
2. Gạch bỏ đồ vật ra khỏi danh sách sau khi đã tìm thấy chúng
3. Nói với tông giọng và âm lượng vừa phải
4. Nói xin chào với người thu ngân
5. Đưa cho người thu ngân đúng số tiền phải trả
6. Đợi lấy tiền trả lại
Anh Tipson đi ngay đằng sau Ashley khi cô bé đến hiệu tạp hóa. Cô bé có một chiếc điện thoại và tai nghe Bluetooth. Anh gợi ý cho con qua điện thoại và bảo cô bé nhìn vào danh sách mua hàng để đảm bảo cô bé hoàn thành các mục tiêu một cách chính xác. Sau mỗi bước, anh lại đưa ra nhận xét cho Ashley về hành vi và việc ghi chép của cô bé. Khi họ rời cửa hàng, anh Tipson sẽ trao cho Ashley phần thưởng nếu cô bé thực hiện được 3 trên 6 tiêu chí. Khi cô bé đã đạt được mục tiêu này trong vài lần liên tiếp, anh sẽ giảm số tiêu chí từ 6 xuống 5. Anh sẽ tiếp tục quá trình này cho đến khi cô bé có thể thực hiện mọi bước một cách độc lập.
Nguồn: A Parent’s Guide to Evidence-Based Practice and Autism
Mời bạn tham gia Group Thắp đèn xanh – Đồng hành cùng trẻ Tự kỷ để thảo luận, chia sẻ và đồng hành cùng các trẻ Tự kỷ nhé!