Tiếp theo loạt bài về các vấn đề y học của trẻ tự kỷ, trong bài viết này chúng tôi muốn chia sẽ về một nghiên cứu của các nhà khoa học thần kinh đại học California, Davis (Mỹ) về sự khác biệt trong phát triển não bộ của trẻ tự kỷ, bài viết được đăng tải trên tạp chí y học Webmd, 2018.
Theo kết quả nghiên cứu của nhà nghiên cứu tại Viện MIND tại Đại học California, Davis (Mỹ):
Các tế bào thần kinh trong một khu vực não liên quan đến hành vi xã hội và cảm xúc thường tăng lên khi trẻ em trưởng thành, nhưng điều này không xảy ra ở những người mắc chứng tự kỷ.
Ở trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) có quá nhiều tế bào thần kinh trong phần hạch Hạnh nhân (amygdala) của não và mất tế bào thần kinh khi chúng trưởng thành.
Cynthia Schumann, tác giả cao cấp của nhóm nghiên cứu cho biết: “Hạch hạnh nhân là một cấu trúc não độc đáo, nó phát triển đáng kể trong thời kỳ thanh thiếu niên, dài hơn các vùng não khác, khi chúng ta trở nên trưởng thành hơn về mặt xã hội và cảm xúc”.
Bà nói: “Bất kỳ sự sai lệch nào so với con đường phát triển bình thường này đều có thể ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của con người”.Schumann là phó giáo sư Tâm thần học và Khoa học hành vi tại đại học California, Davis (Mỹ).
Đối với nghiên cứu, nhóm của bà Schumann đã kiểm tra não của 52 người đã chết, trong đó có một số người mắc chứng tự kỷ. Họ có độ tuổi từ 2- 48 tuổi.
Các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng số lượng tế bào thần kinh ở một phần của hạch hạnh nhân đã tăng hơn 30% từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành ở những người phát triển bình thường.
Tuy nhiên, ở những người mắc chứng tự kỷ, số lượng tế bào thần kinh cao hơn người bình thường khi trẻ còn nhỏ và giảm dần khi trẻ lớn lên.Schumann nói: “Chúng tôi không biết liệu có quá nhiều tế bào thần kinh hạch hạnh nhân phát triển sớm trong ASD có liên quan đến sự mất mát rõ ràng sau này hay không“.
Bà nói: “Có thể có quá nhiều tế bào thần kinh ở giai đoạn phát triển sớm có thể góp phần gây ra lo lắng và thách thức với các tương tác xã hội. Tuy nhiên, theo thời gian, hoạt động liên tục đó có thể bào mòn hệ thống thần kinh và dẫn đến mất tế bào thần kinh khi các trẻ này trưởng thành“.
Theo các nhà nghiên cứu, tìm hiểu thêm về cách các tế bào thần kinh trong hạch hạnh nhân thay đổi trong thời kỳ thanh thiếu niên có thể dẫn đến các phương pháp điều trị mới về não bộ cho chứng tự kỷ và các rối loạn chức năng não bộ khác.
Các nghiên cứu trước đây cũng đã cho thấy mối liên hệ giữa rối loạn chức năng hạch hạnh nhân với các rối loạn như tự kỷ, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực và trầm cảm..Kết quả nghiên cứu trên của nhóm nghiên cứu tại đại học California, Davis (Mỹ) đã được công bố gần đây trên tạp chí khoa học: “Proceedings of the National Academy of Sciences“
Mời bạn tham gia Group Thắp đèn xanh – Đồng hành cùng trẻ Tự kỷ để thảo luận, chia sẻ và đồng hành cùng các trẻ Tự kỷ!
Tài liệu tham khảo:
- https://www.webmd.com/…/brain-cell-development-differs….
- Avino, T. A., Barger, N., Vargas, M. V., Carlson, E. L., Amaral, D. G., Bauman, M. D., & Schumann, C. M. (2018). Neuron numbers increase in the human amygdala from birth to adulthood, but not in autism. Proceedings of the National Academy of Sciences, 201801912