Tạo Môi Trường Học Tập Vui Vẻ Với Trẻ Tự Kỷ

Hầu hết các giáo viên đều đồng ý rằng không có một “công thức” chung cố định nào áp dụng được cho tất cả học sinh hay một nhóm học sinh, tuy nhiên, một số hướng dẫn và lưu ý vẫn sẽ có ích trong việc hỗ trợ những học sinh với những đặc điểm nhất định. Trẻ tự kỷ thường có những nhu cầu đặc biệt trong học tập, kỹ năng xã hội, và giao tiếp, vì thế giáo viên cần phải có phương pháp riêng đối với từng trẻ. Dưới đây là một số gợi ý đơn giản để giúp bạn xử lý những khó khăn thường gặp và tạo môi trường học tập tốt nhất cho trẻ tự kỷ.

1. Hiểu học sinh của bạn:

Thông thường khi muốn tìm hiểu thông tin về một học sinh, giáo viên thường tìm hiểu qua sơ yếu lý lịch hoặc học bạ của học sinh đó. Tuy nhiên những tài liệu này thường không mang lại nhiều giá trị. Thay vào đó, bạn nên hỏi chính học sinh của mình khi muốn tìm hiểu thêm về học sinh đó. Một số trẻ có khả năng và sẵn sàng chia sẻ thông tin, trong khi một số trẻ khác sẽ cần được khuyến khích hoặc gợi ý từ người thân. Bạn có thể hỏi những thông tin này theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, bạn có thể yêu cầu trẻ điền vào một phiếu câu hỏi ngắn, hoặc tham gia hỏi đáp thân tình.Ví dụ, một giáo viên đã nhờ một học sinh tự kỷ viết ra những gợi ý dành cho thầy cô để có thể giúp ích cho các bạn gặp khó khăn trong học tập. Sau đó người giáo viên này chuyển tất cả những gợi ý đó tới những giáo viên khác ở trong trường.

Nếu học sinh của bạn có tự kỷ và không thể tự giao tiếp một cách hiệu quả, bạn có thể nhờ tới trợ giúp từ phía gia đình. Phụ huynh của trẻ sẽ chia sẻ cho bạn những gợi ý hữu ích khi chăm sóc trẻ ở nhà, những hình ảnh về hoạt động của trẻ tại nhà hay những hoạt động cùng cộng đồng khác của trẻ. Những thông tin này sẽ giúp bạn có những ý tưởng mới và phù hợp với trẻ hơn là thông qua học bạ hay những bài kiểm tra theo cách thông thường.

2. Tận dụng những sở trường của trẻ:

Nếu có điều kiện, bạn nên sử dụng những “công cụ” đặc biệt như sở thích, thế mạnh, kỹ năng và những thứ học sinh thích làm phần thưởng trong quá trình dạy học. Ví dụ, nếu học sinh của bạn thích dùng máy tính, bạn có thể tận dụng điều này trong bài học đọc hiểu (đọc hướng dẫn sử dụng một phần mềm), hoặc trong các môn xã hội (Điều gì sẽ xảy ra nếu không có máy tính?)

3. Khuyến khích trẻ giao tiếp:

Trong lớp học thường có một số học sinh nổi trội và chủ động hơn hẳn các bạn khác trong các hoạt động thảo luận nhóm nhỏ hoặc với cả lớp. Những học sinh hoạt bát và năng động như vậy rất cần được khuyến khích phát biểu ý kiến trong lớp, tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý để tạo cơ hội cho các học sinh khác, đặc biệt là những học sinh có xu hướng thu mình hoặc có khó khăn trong học tập để các em có thể cùng chia sẻ, thảo luận, đặt câu hỏi và tìm ra lời giải đáp. Bạn cần lên kế hoạch cho các hoạt động khuyến khích sự tương tác và thảo luận trong lớp để đảm bảo tất cả các học sinh đều được đóng góp ý kiến.

Ví dụ: Trong một lớp học, học sinh được yêu cầu quay sang các bạn khác để trao đổi với nhau tại một vài thời điểm trong ngày. Một giáo viên dạy lịch sử đã sử dụng phương pháp này xen kẽ giữa những bài giảng của mình và tạo cơ hội cho học sinh được trao đổi với nhau về nội dung bài học. Mỗi bài giảng nhỏ thường kéo dài 15 phút, sau đó người giáo viên này yêu cầu học sinh của mình trao đổi với một bạn khác trong nhóm để trả lời một câu hỏi hoặc giải thích một khái niệm đã được đưa ra trong bài giảng. Ví dụ, sau khi giảng một bài về Tổng thống, giáo viên yêu cầu học sinh thảo luận câu hỏi “Người Mỹ cần Tổng thống của mình có những phẩm chất gì?” và “Những phẩm chất mà người dân muốn ở vị Tổng thống đã thay đổi như thế nào qua thời gian?”. Điều này giúp những học sinh mắc rối loạn phổ tự kỷ có thể rèn luyện hàng ngày khả năng tập trung vào một chủ đề và trao đổi luân phiên với một người bạn khác.

Bạn cũng có thể tạo thêm cơ hội tương tác trong lớp bằng cách xen kẽ các hoạt động thể chất, như yêu cầu cả lớp cùng trả lời một câu hỏi thông qua một hành động cụ thể. Ví dụ, thay vì đặt câu hỏi “Columbus tìm ra châu Mỹ vào năm nào?” bạn có thể nói “Bạn nào nghĩ rằng Columbus tới Châu Mỹ vào năm 1492 hãy đứng lên!” Phương pháp này không chỉ tạo cơ hội cho tất cả các học sinh được trả lời câu hỏi (thay vì chỉ gọi một học sinh trả lời), mà còn giảm bớt cảm giác căng thẳng của việc “hỏi-trả lời” giữa giáo viên và học sinh, phù hợp với những học sinh bị tự kỷ. Việc cả lớp cùng trả lời thông qua hành động cũng sẽ phù hợp với những học sinh gặp khó khăn về ngôn ngữ, và là điều kiện thuận lợi cho một lớp học đa dạng và hòa nhập.

4. Đưa ra những lựa chọn:

Việc được lựa chọn giữa nhiều phương án khác nhau sẽ giúp học sinh có cảm giác tự chủ, và tạo cơ hội để học sinh hiểu hơn về bản thân mình. Việc này càng có ý nghĩa hơn với học sinh tự kỷ vì các em thường có những nhu cầu đặc biệt về môi trường học tập, tài liệu học tập và giao tiếp. Bạn có thể tạo điều kiện cho học sinh đưa ra lựa chọn trong rất nhiều tình huống khác nhau ở trường: trong việc chọn bài tập nào để hoàn thành, đảm nhận nhiệm vụ gì khi làm việc nhóm, làm thế nào để yêu cầu hỗ trợ và giúp đỡ. Một số lựa chọn bạn có thể đưa ra cho học sinh là:

– Chọn làm 5 bài tập bất kỳ trong số 10 bài tập được giao

– Làm việc một mình hoặc theo nhóm nhỏ

– Đọc thành tiếng với một bạn khác hoặc tự đọc thầm

– Dùng bút mực, bút chì hoặc máy tính

– Làm nghiên cứu trong thư viện hoặc trong phòng tài nguyên

– Dùng chữ viết hay hình ảnh để ghi chép bài

5. Cân nhắc các hình thức ghi chép khác thay cho viết tay

Ghi chép có thể là nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng và khó khăn đối với những học sinh bị tự kỷ. Một số học sinh thậm chí còn không thể viết và một số khác có thể viết được thì cũng rất khó khăn. Để giúp học sinh vượt qua được trở ngại này, giáo viên có thể nhẹ nhàng động viên trẻ khi trẻ đang cố gắng viết gì đó, có thể là một từ, một câu hay vài dòng. Giáo viên cũng có thể cho trẻ sử dụng máy tính, trình xử lý văn bản, hoặc thậm chí máy đánh chữ loại cũ trong một số hay tất cả các bài học. Đối với một số học sinh, việc dùng trình xử lý văn bản để ghi chép giúp các em tập trung vào công việc chính đang làm(tức nội dung bài viết) thay vì tập trung vào chuyển động của tay.

6. Giúp trẻ ngăn nắp hơn

Trong khi một số trẻ tự kỷ cực kỳ ngăn nắp thì một số trẻ khác lại luôn cần có người giúp tìm đồ, giữ cho tủ đựng đồ và bàn học gọn gàng và nhắc nộp bài tập về nhà vào cuối ngày. Trong trường hợp này hãy áp dụng các phương pháp hỗ trợ có thể giúp ích được cho tất cả học sinh. Ví dụ, giáo viên có thể yêu cầu học sinh chép bài, sắp cặp sách, cất đồ dùng học tập và dọn dẹp lớp học cùng nhau. Lên lịch thực hiện những hoạt động này hàng ngày sẽ giúp tất cả học sinh có cơ hội rèn luyện tính ngăn nắp và cẩn thận hơn. Trong quá trình này học sinh còn học được thêm các kỹ năng nhất định khác, ví dụ như tạo danh sách các công việc cần làm, nhận biết được những công việc nào cần được ưu tiên…

7. Hỗ trợ trong các hoạt động chuyển tiếp

Một số học sinh tự kỷ gặp nhiều khó khăn và cảm thấy không thoải mái khi phải chuyển tiếp từ môi trường này sang môi trường khác hoặc từ hoạt động này sang hoạt động khác. Những người mắc bệnh tự kỷ nói rằng những thay đổi khiến họ rất căng thẳng và có cảm giác mất phương hướng. Vì vậy, khi có bất kỳ sự chuyển tiếp nào, giáo viên có thể giảm thiểu những lo lắng này cho học sinh bằng cách:

  • Nhắc cả lớp về sự thay đổi này trước khi nó diễn ra
  • Sử dụng hiển thị giờ để học sinh có thể tự quản lý được thời gian xuyên suốt một hoạt động.
  • Yêu cầu bạn bè giúp đỡ nhau trong thời gian chuyển tiếp. Ở các lớp tiểu học, giáo viên có thể yêu cầu học sinh di chuyển từ nơi này sang nơi khác cùng với một bạn khác. Trong những lớp lớn hơn, học sinh có thể chọn bạn để đi bộ cùng nhau.
  • Cung cấp cho học sinh các công cụ hỗ trợ chuyển tiếp (đồ chơi, đồ vật hoặc tranh ảnh).

8. Tạo ra một lớp học thoải mái

Đôi khi học sinh học không được tốt vì chúng thấy thiếu thoải mái và không an toàn hoặc thậm chí sợ hãi trong môi trường học tập ở trường. Tạo ra một môi trường học tập phù hợp cũng quan trọng không kém gì những phương pháp hay công cụ giáo dục khác đối với sự thành công của một học sinh. Học sinh tự kỷ sẽ sẵn sàng học tập nhất ở những nơi chúng có thể thư giãn và cảm thấy an toàn. Một số ý tưởng để tạo ra không gian thoải mái hơn cho học sinh là cho phép chọn chỗ ngồi (ví dụ như ghế nhồi, ghế đu); giảm thiểu ánh sáng trực tiếp khi có thể (ví dụ dùng ánh sáng chiếu ngược, có mũ lưỡi trai dành cho những học sinh đặc biệt nhạy cảm), và giảm thiểu những tiếng ồn gây mất tập trung (ví dụ có thể cung cấp bông bịt tai hoặc tai nghe trong một số hoạt động).

9. Nghỉ ngơi

Một số học sinh làm việc hiệu quả nhất khi chúng được dừng lại nghỉ giữa giờ và giải lao bằng một số hình thức như đi bộ xung quanh, vươn vai hoặc chỉ đơn giản là ngừng làm việc. Một số học sinh sẽ cần thời gian tản bộ, kéo dài từ vài giây đến mười lăm hay hai mươi phút. Một số sẽ cần đi bộ lên xuống dọc hành lang một hai lần, trong khi số khác thì chỉ cần được đi xung quanh lớp học là đủ.

Ví dụ, một giáo viên đã nhận thức được tầm quan trọng của những phút giải lao có hướng dẫn này và quyết định áp dụng cho các học sinh của mình. Giáo viên cho học sinh một gợi ý để thảo luận (ví dụ, các em biết gì về xác suất?) rồi sau đó hướng dẫn các em vừa đi vừa thảo luận với một bạn khác trong lớp.

10. Hòa nhập

Nếu học sinh muốn học cách ứng xử phù hợp, chúng cần đặt mình vào môi trường xung quanh để quan sát và lắng nghe bạn bè chúng chuyện trò và cư xử như thế nào. Nếu học sinh muốn học các kĩ năng xã hội, chúng cần phải đến những nơi chúng có thể nghe và học hỏi từ những hoạt động giao tiếp xã hội của người khác. Nếu học sinh cần hỗ trợ chuyên biệt để đạt thành tích cao trong học tập, giáo viên cần phải quan sát xem học sinh đó hành động, cư xử như thế nào trong môi trường lớp học hòa nhập để biết loại hình hỗ trợ mà học sinh đó cần.

Cũng như thực hành là cách học tập tốt nhất, cách hiệu quả nhất để học cách hỗ trợ học sinh tự kỷ ở các trường hòa nhập chính là luôn mở rộng cửa đón nhận các em.

Nguồn: http://www.paulakluth.com/readings/autism/article-autism-tenideas/

Mời bạn tham gia Group Thắp đèn xanh – Đồng hành cùng trẻ Tự kỷ để thảo luận, chia sẻ và đồng hành cùng các trẻ Tự kỷ nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *