Tôi Đã Bước Vào Thế Giới Của Con Như Thế!

Một số trẻ tự kỷ trông rất thơ thẩn. Trông chúng như thể chẳng đang hoặc chẳng định làm gì cả. Nếu bạn không tính khi chúng phản kháng và lấy đồ ăn uống, thì chúng hầu như không có giao lưu gì. Những đứa trẻ này không dùng từ có chủ ý mặc dù có nói được một từ, rõ ràng như tiếng chuông, nhưng chỉ một lần và hoàn toàn đúng nghĩa. Vì thế bố mẹ trẻ thấy rất khó hiểu. Nếu con có thể nói được một từ một lần rồi, tại sao không phải lúc nào con cũng như vậy? Nếu bạn có con thuộc diện này, hẳn bạn rất muốn giúp con biết cách chơi đùa và giao tiếp, nhất là với mình. Chơi đùa giao lưu và giao tiếp liên quan đến việc chia sẻ trải nghiệm và đây là khó khăn kinh điển mà các bố mẹ có con tự kỷ gặp phải – dường như giữa bố mẹ và con chẳng có cùng trải nghiệm nào để chia sẻ. Bài này sẽ đề cập đến cách bắt đầu với những trẻ rất khó rủ giao lưu. Nếu đó là con bạn, bạn có thể bối rối khi quan sát thấy con thơ thẩn đây đó, chạm vào đồ vật, cầm vật này lên rồi sau đó lại thả nó xuống. Mặc dù bạn cùng chung với con một khoảng không gian, nhưng bạn như thể đang sống trong một thực tại khác trong tâm trí và bạn không có điểm chung nào với con. Nếu thật vậy, bạn cần tạo ra một nơi gặp gỡ. Nơi bạn sắp tạo ra giống với nơi con đang sống – một thế giới trực giác – chỉ có bạn và con ở đó cùng nhau thôi.

Thế giới trực giác

Các trò chơi ở trang này sẽ giúp bạn khám phá các cách để trở thành nguồn cung cấp những trải nghiệm trực giác cho con. Trước khi trẻ tự kỷ phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, chúng thường sống hoàn toàn trong thế giới trực giác hơn là thế giới khái niệm. Đây là thế giới của những cảm nhận như đồ vật trôi bồng bềnh, gọn khít vừa chân, tan biến trong miệng, tuôn ra từ ống tuýp, nảy lên khi rơi xuống, mở ra và đóng lại, xoay tròn. Đối với tôi, khi nghĩ đến những ví dụ này, tôi – một trị liệu viên ngôn ngữ – thường đi vào thế giới khái niệm về ngôn từ, nơi tôi dành phần lớn thời gian ở đó.  Ở thế giới đó, tôi bắt đầu mô tả bất kỳ thứ gì chợt nghĩ đến – quả bóng bay, đôi giày, thức ăn, giấy vệ sinh, quả bóng, cánh cửa, con quay.

Câu chuyện về một chú bé thơ thẩn

Andy là đứa trẻ có vẻ giống với nhiều trẻ khác mà tôi biết, không để tâm đến mọi người và sống vui vẻ với trực giác về đồ vật – về độ tròn, độ nhẹ của tạ, âm thanh do vật nảy lên, tiếng cọt kẹt hay tiếng sập cửa, toàn những cảm nhận như vậy. Cậu dường như không chủ ý tìm  hiểu đặc tính tác nhân và hệ quả trong thế giới này dù ít nhất trong một khoảnh khắc, cậu có chú ý đến những vật cho cậu những trải nghiệm giác quan thú vị. Thỉnh thoảng cậu làm gì đó lặp đi lặp lại, như đóng cửa. Thậm chí hành động lặp đi lặp lại này trông cũng như thể không có chủ ý, cậu cứ như tình cờ đóng cửa mỗi khi thấy cửa mở.  Nhưng Andy lặp lại ngày càng nhiều hơn các hành động đem lại trải nghiệm giác quan thú vị.

Cảm xúc của Andy dễ bị tổn thương, cậu sống lúc nào biết lúc ấy

Dường như cuộc sống của Andy toàn lúc vui lúc buồn, tùy theo điều gì đang xảy ra ở thời điểm đó. Khi bật tắt đèn, đời với Andy thật vui. Andy không quyết định đời sẽ vui, chỉ là cậu thấy vui vì kiểm soát được ánh sáng. Khi phải đánh răng, đời lại trở nên không thể chịu nổi vì cảm giác khi bàn chải ở trong miệng thật là tệ.  Khi được ăn pizza đời lại tuyệt. Andy trông giống những người khác khi ngồi trước bánh pizza. Tuy nhiên, bạn không thể an ủi Andy, bạn chỉ có thể chờ cậu xao lảng sang việc khác và hy vọng khoảnh khắc đó sẽ tốt hơn với cậu.

Tự giới thiệu mình với Andy

Khi lần đầu tiên gặp một trẻ như Andy, tôi thường xâm nhập vào thế giới trực giác của cậu để đồng hành cùng cậu. Tôi đem đến những trải nghiệm cảm nhận mới mẻ để kết bạn với cậu. Tôi giới thiệu mình bằng một thứ gì đó khiến cậu cảm thấy thích và dường như Andy không chú ý đến tôi chút nào mà chỉ chú ý đến đồ vật của tôi nếu tôi mang đúng thứ cậu thích. Tôi có thể mang theo một cuộn băng dính để xé thành từng mảnh và dán vào đầu gối cậu, dán lên tường, hay những món đồ chơi để cậu có thể cầm lên. Tôi có thể mang theo một con quay tuyệt diệu có thể xoay tròn và phát sáng nếu cậu thích con quay của tôi, tôi sẵn lòng chỉ cậu cách quay nó. Tôi chủ ý trở thành nguồn cung cấp những trải nghiệm giác quan mới mẻ và là người cùng tham gia với cậu trong từng hoạt động – cho dù cậu dường như không chú ý đến sự hiện diện của tôi. Là một người bạn đồng hành, tôi thật sự thích việc xé băng dính và thích cái cảm giác dán nó lên chỗ này chỗ kia. Tôi hoà mình vào thế giới trực giác cùng Andy. Thật sự, tôi chỉ cho Andy thấy làm thế nào để chủ động hơn trong việc tìm kiếm những trải nghiệm giác quan. Tôi cho cháu thấy làm thế nào để tăng tính tò mò và thêm nhiệt huyết cho những trải nghiệm này.

Làm cùng nhau

Tôi thật sự trải nghiệm và thích bất cứ kỳ việc gì tôi làm cùng Andy. Tôi đem một thứ nhiệt huyết đến cho những việc tôi làm mà Andy khó có thể bỏ qua. Nếu tôi không thích thú việc xé cuộn băng dính và dán cuộn băng dính đó cùng Andy – nếu tôi chỉ đưa cuộn băng cho cậu để cậu chơi, thì tôi chỉ cho cậu trải nghiệm đơn độc mới chứ không phải một trải nghiệm giao lưu mới. Tôi không chỉ tham gia cùng Andy, tôi còn giúp cậu để ý rằng chúng tôi đang cùng hợp tác thực hiện một điều gì đó. Tôi làm mọi thứ tôi có thể nghĩ ra để làm cậu hiểu rằng tôi là một phần quan trọng trong trải nghiệm chơi đùa này. Băng dính có thể để ở kệ trên cao và tôi có thể mang nó xuống đầy nỗ lực và kịch tính – lặp đi lặp lại, vì mỗi lần tôi chỉ lấy một miếng nhỏ. Tôi làm vậy không phải để thưởng cho Andy về việc tương tác với tôi – mà là để nhấn mạnh rằng chúng tôi đều cùng tham gia vào trải nghiệm với cuộn băng dính này. Tôi biết rằng những trải nghiệm giác quan có thể cuốn hút đến mức Andy sẽ quên cả sự hiện diện của tôi nếu tôi không tìm cách làm cháu chuyển hướng chú ý giữa cuộn băng dính với người chơi cùng là tôi.

Dẫn dắt Andy vào thế giới khái niệm

Tôi không chỉ nhập hội với Andy ở những gì có thể nhìn thấy, tôi còn bắt đầu thêm vào một quy ước khái niệm để cùng trải nghiệm. Tôi dùng những từ đơn lẻ và những cụm cố định như Chuẩn bị, bắt đầu, xuất phát! Khi Andy hiểu được rằng những từ  Chuẩn bị, bắt đầu, xuất phát! sẽ khiến mọi thứ diễn ra, cậu đã tiến được vào thế giới khái niệm về từ ngữ, nơi đó từ ngữ có sức mạnh. Đó chỉ là bước đầu, nếu cậu nói xuất phát! tiếp lời tôi nói Chuẩn bị, bắt đầu, …  tôi biết cậu đang thử xem liệu mình nói những từ đó có hiệu nghiệm gì không.

Lúc này, tôi thường bắt đầu dùng những bức hình kèm theo các hoạt động mà chúng tôi làm. Tôi rút ra một tấm hình lớn về Cuộn băng dính và rồi lấy cuộn băng ra. Tôi lấy một bức hình lớn về Con quay và rồi lấy con quay ra. Tôi cho cậu thấy những biểu tượng bằng lời lẫn bằng hình ảnh về những vật cậu quan tâm. Nếu cậu tỏ ra thích mấy bức hình của tôi, tôi sẽ bắt đầu lấy mỗi lần hai hình. “Đầu tiên là băng dính”, tôi sẽ nói, “sau đó đến chơi quay”.

Đầu tiên/Sau đó là quy ước khái niệm cho phép chúng tôi “ bàn xem” tiếp theo sẽ là những trải nghiệm giác quan gì. Tấm thẻ Đầu tiên/Sau đó tiếp theo có thể là bức hình chạy uống nước. Tôi biết Andy thích chạy và thích nước ép. Cậu không bận tâm hai hoạt động này sẽ theo thứ tự nào, nhưng cậu có thể nhận ra trình tự  của hoạt động nếu tôi cho cậu xem những bức hình đó theo trình tự Đầu tiên/Sau đó thường xuyên. Trình tự xuất hiện các bức hình kiểu Đầu tiên/Sau đó đã bắt đầu đem đến cho Andy những thông tin cậu thích, cũng như tôi thích nghe dự báo thời tiết mỗi sáng.

Từ và ảnh là một cách truyền đạt thông tin

Khi tôi bắt đầu dùng từng từ hoặc hình và cả khi tôi mới giới thiệu thẻ Đầu tiên/Sau đó, tôi không nghĩ tấm thẻ này sẽ là công cụ kiểm soát hành vi của Andy. Tôi không tìm cách bảo Andy làm hoạt động đầu tiên để được thưởng hoạt động tiếp theo mặc dù có lúc đây cũng là một phương án. Nhưng mới đầu thì không. Tôi muốn Andy tò mò và thích thú với những bức hình và cậu sẽ không thích mấy bức hình đó nếu tôi dùng chúng để kiểm soát hành vi của cậu ngay từ  đầu. Tôi cũng không muốn làm mất cơ hội dạy cậu bé bằng cách tìm cách gò ép cậu nghe lời ngay từ đầu bởi vì tôi có một mục tiêu tham vọng hơn. Tôi muốn Andy thích thế giới của những khái niệm. Tôi muốn cháu coi bức hình như một lời bình luận. Trình tự Đầu tiên/Sau đó cho Andy biết điều tốt đẹp nào sẽ diễn ra tiếp theo. Đây là một thế giới hoàn toàn khác so với thế giới của băng dính trên đầu gối hay nhìn con quay xoay tròn hoặc việc chạy và việc uống nước. Đây là thế giới để tư duy về những điều không phải đang diễn ra. Đó là thứ khiến nó mang tính khái niệm chứ không còn là trực giác nữa.

Thế giới khái niệm lớn dần lên

Theo thời gian, khi tôi đã chắc chắn Andy luôn sẵn sàng chơi cùng tôi, tôi sẽ dạy cậu nhiều hơn nữa về thế giới khái niệm này bằng hình ảnh trực quan. Đối với nhiều trẻ, phải mất vài tháng chơi trò Hãy đến đây với cô/chú/mẹ/bố và những trò Tác nhân-Hệ quả, thì trẻ mới phát triển các kĩ năng giao lưu và nhận thức cần thiết để có thể bước vào một thế giới khái niệm phức tạp hơn. Tuy nhiên, có trẻ bắt đầu hiểu được từ hay bức hình rất nhanh chóng và thậm chí bắt đầu dùng được một số từ và hình ảnh để giao tiếp. Khi nào trẻ bắt đầu tỏ ra thực sự hiểu từ và hình ảnh, tôi sẽ mở rộng thế giới khái niệm của trẻ với bảng lựa chọn trực quan. Với bảng lựa chọn trực quan, trẻ có thể xem có hoạt động giác quan nào và chọn hoạt động tiếp theo. “Hừmm”, tôi có thể nói, chỉ vào tấm hình con quay trước, và rồi chỉ vào tấm hình bóng bay, “Con quay hay bóng bay?” Nếu Andy không nhìn, hay nói để chọn, tôi có thể sẽ nhìn và nói một hoạt động tôi chọn và chúng tôi sẽ làm hoạt động đó. Ngay khi Andy biết lựa chọn với lịch trực quan, chúng tôi sẽ chuyển sang tạo lịch trực quan.

Lịch trực quan bao gồm một vài hoạt động được định sẵn theo trình tự. Andy có thể thấy rằng kế hoạch cùng chơi sẽ là: 1) chơi với cuộn băng dính 2) đánh răng 3) quan sát con quay phát sáng. Lịch trực quan có thể mở rộng thế giới khái niệm của Andy để đưa vào vài hoạt động và chẳng mấy chốc Andy sẽ không còn bị tổn thương vì hoạt động ở từng thời điểm. Nếu chúng ta để ba hoạt động này vào một lịch trực quan, Andy có thể quyết định đời dở hay tệ trong một khung thời gian dài hơn. Cuộc sống không còn quá tệ hại, kể cả  khi bàn chải đánh răng ở trong miệng nếu bạn biết được rằng bạn sẽ sớm được chơi với con quay phát sáng. Một trình tự như vậy không chỉ là một cách để thưởng cho trẻ vì chịu đánh răng, mà còn là cách cho trẻ một cái nhìn rộng hơn để lần sau trẻ có thể đón chờ sự việc tốt hơn.

Với lịch trực quan được sắp xếp theo nhiều cách như thế này, Andy và tôi có thể trực tiếp trao đổi với nhau cụ thể về những trải nghiệm sẽ xảy ra hoặc đã xảy ra rồi. Chúng tôi vẫn có thể cùng đồng hành khi chơi, đồng thời cũng có thể cùng nhau nghĩ về một trò khác sắp sửa diễn ra. Chúng tôi có thể vui mừng và phấn khởi với ý nghĩ mình sắp cùng nhau xé cuộn băng dính. Tôi có thể cảm thông với cháu vì sắp phải đánh răng. Chúng tôi có thể vui vẻ đón đợi khoảnh khắc chúng tôi sẽ được chơi con quay cùng nhau. Chúng tôi chia sẻ cảm xúc và ý tưởng trước khi điều này xảy ra trong thế giới trực quan. Sau khi chúng tôi làm xong lịch trực quan, chúng tôi có thể cùng nhìn lại lịch và cùng sống lại cảm xúc của khoảnh khắc đó. Chúng tôi thậm chí có thể diễn giải nó theo một cách mới mẻ khi Andy đã học thêm được các từ mới. “Cuộn băng này quá dính –  Con không thích tay mình bị dính!” “Đánh răng ghê quá!” (Tôi có thể nói việc đó quả không dễ chịu nhưng không hẳn là không thể chịu nổi). “Con quay thật tuyệt!”.  Một số trẻ có thể mất nhiều tháng, thậm chí vài năm mới có thể cùng tôi suy nghĩ về tương lai và hồi tưởng lại như vậy, nhưng đây chính là quá trình giúp một đứa trẻ như Andy có thể trở thành một người bạn thích ở cạnh tôi không kém gì tôi thích ở bên cậu.

Cùng nhau, chúng tôi đã tạo ra một điểm chung để giao tiếp. Đó là một sân chơi trải dài từ thế giới trực giác sang thế giới khái niệm.

Nguồn: nuoicontuky

Mời bạn tham gia Group Thắp đèn xanh – Đồng hành cùng trẻ Tự kỷ để thảo luận, chia sẻ và đồng hành cùng các trẻ Tự kỷ nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *