Trẻ Đi Nhón Chân

CHA MẸ CÓ ĐANG LO LẮNG?

Chúng ta thường thấy một bé gái mặc áo đầm xòe, đứng nhón chân trước gương như nghệ sĩ múa ba-lê hay trẻ nhỏ nghịch ngợm nhón chân đi quanh nhà – đó là điều bình thường.

Tuy nhiên, có một số trẻ lớn hơn 2 tuổi nhưng vẫn còn đi nhón chân, đó là dấu hiệu không ổn. Vì vậy cha mẹ cần quan sát kỹ hành vi này của trẻ, đưa trẻ đến gặp các chuyên gia để được thăm khám và đánh giá để tìm ra nguyên nhân nhằm can thiệp phù hợp.

Việc đi nhón chân có thể là dấu hiệu của sự chậm phát triển ở trẻ em, đó cũng là dấu hiệu của hệ thống tiền đình kém, hệ thống tiền đình liên quan đến sự thăng bằng và phối hợp của trẻ và cũng có liên quan đến việc học tập.

Nếu hệ thống tiền đình của trẻ kém, trẻ sẽ có các biểu hiện như đi nhón chân, điều chỉnh và xử lý hành vi kém. Trẻ còn có thể bị mất kết nối trong não bộ khiến trẻ khó khăn trong học tập. Các dấu hiệu này thường gặp ở trẻ em mắc chứng Tự kỷ, ADHD, Chứng khó đọc, Dysgraphia .

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ đi nhón chân, từ nghiêm trọng cho đến hầu như vô hại. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến làm trẻ đi nhón chân :

Do có vấn đề về hệ thống thăng bằng chức năng: tai trong của trẻ là nguyên nhân gây ra đi nhón chân . Hệ thống tiền đình ở tai trong có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho não về vị trí và chuyển động. Nếu thông tin mà hệ thống này cung cấp không chính xác, bộ não thậm chí có thể không nhận thức được bàn chân, không đi theo cách hiệu quả nhất. Cần có những bài tập vận động về thăng bằng cho trẻ có thằng bằng kém.

Do có vấn đề về xử lý cảm giác: trẻ có rối loạn xử lý cảm giác (SPD) cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến việc đi nhón chân. Nếu trẻ quá nhạy cảm với xúc giác, trẻ có thể tránh đặt gót chân xuống nhằm tránh các kết cấu khó chịu hoặc cảm giác khó chịu mà trẻ phải chịu khi chạm vào gót chân. Trẻ cũng sẽ tỏ ra ác cảm với tất ( vớ ), giày hoặc chân trần. Cần sử dụng liệu pháp xúc giác , điều hòa cảm giác để can thiệp cho các trẻ dạng này.

Do thói quen: đây là nguyên nhân ít đáng báo động nhất.

Do cơ  : trong các trường hợp tổn thương não gây co cứng cơ nhưng không được tập luyện dẫn đến co rút cơ hoặc trong các trường hợp co rút sau khi chấn thương, tư thế xấu. Trường hợp này cần gặp chuyên viên Vật lý trị liệu để được tập kéo giãn cơ co rút, tập mạnh cơ hoặc bác sĩ chỉnh hình sẽ phẫu thuật để kéo dài gân gót nếu cơ co rút .

Sau đây là một số bài tập cải thiện hệ thống tiền đình để can thiệp trẻ đi nhón gót :

Đi dép chân vịt : cho trẻ mang dép đi trong nhà vì dép chân vịt giúp trẻ đi đặt gót chân đến ngón chân.

Dậm chân tại chỗ/ đi duyệt binh : đi và dậm chân tại chỗ là những động tác yêu cầu toàn bộ bàn chân phải tiếp xúc với mặt đất. Bạn có thể tạo thành một trò chơi, theo nhạc, hát theo nhịp dậm chân như đang đi duyệt binh

Leo lên dốc/núi: cho trẻ chạy lên dốc nhằm kéo giãn gân cơ và từ trên cao cho trẻ đi lùi lại để đi xuống. Tương tự cho trẻ đi lên cầu tuột hoặc ván nghiêng và đi lùi lại.

Giày : cho trẻ mang giày có kèn đối với trẻ thích tiếng động để trẻ có động lực hạ gót chân xuống đất, hay mang giày có bánh xe ở gót chân dành cho trẻ không bị lắc lư bởi tiếng ồn vì trẻ phải nhấc ngón chân lên khỏi mặt đất để lăn, giúp trẻ quen với áp lực lên gót chân cũng như kéo căng phần gân gót.

Đối với trẻ có rối loạn xử lý cảm giác ( SPD): khuyến khích trẻ đi bằng chân trần trên nhiều bề mặt khác nhau để bàn chân tiếp xúc với các kết cấu khác nhau. Có thể làm trò chơi cho trẻ đi trên các họa tiết từ chăn mềm đến kem cạo râu…

Điều khiển xe: cho trẻ chơi trò chơi lái xe hơi. Dạy trẻ cách giữ bàn chân khi giả vờ lái xe cũng là một bài tập kéo giãn cơ.

Khi gặp một trẻ hay đi nhón chân, cần liên hệ với các chuyên gia để được đánh giá nhằm tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết

Nguồn: Nuoicontuky

Mời bạn tham gia Group Thắp đèn xanh – Đồng hành cùng trẻ Tự kỷ để thảo luận, chia sẻ và đồng hành cùng các trẻ Tự kỷ!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *