| TRẺ TỰ KỶ NÊN ĂN BAO NHIÊU GAM THỊT TRONG MỘT NGÀY? |
Các loại thịt mà trẻ có thể ăn:
- Thịt động vật bốn chân: lợn, bò, trâu,…
- Thịt động vật hai chân: gà, chim, vịt, ngan, ngỗng,…
- Hải sản: cá biển, tôm biển, cua biển, ốc, hàu, ngao, sò,…
- Thủy sản: cá, tôm, cua, ốc, lươn, trai, hến,…
Giá trị dinh dưỡng của thịt:
Thịt là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều đạm, chất béo quý, một số loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
- Đạm trong thịt chứa nhiều acid amin thiết yếu với tỉ lệ cân đối, có vai trò quan trọng: Cấu tạo, duy trì và phát triển cơ thể, xây dựng khối cơ bắp chắc khỏe, dẻo dai, bảo vệ và điều hòa các hoạt động của cơ thể.
- Chất béo trong thịt gồm có: Chất béo no, chất béo không no và cholesterol có vai trò cung cấp năng lượng, hòa tan các vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K) giúp cơ thể dễ hấp thu, cấu tạo nên màng tế bào, tham gia sản xuất các hooc môn quan trọng của cơ thể,…
- Chất béo no và cholesterol chủ yếu có trong thịt động vật bốn chân và hai chân: Cholesterol thúc đẩy hoạt động của tế bào thần kinh, tế bào miễn dịch, tham gia sản xuất một số loại hooc môn sinh dục, nội tiết giúp cơ thể hoạt động bình thường và khỏe mạnh.
- Chất béo không no (loại chất béo cần thiết mà cơ thể không tự tổng hợp được như: omega 3, omega 6, omega 9) chủ yếu có trong hải sản và thủy sản: có vai trò quan trọng trong xây dựng tế bào thần kinh, thúc đẩy chức năng não bộ, làm giảm chất béo xấu, tăng chất béo tốt giúp hỗ trợ tim mạch, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
- Vitamin nhóm B có nhiều trong thịt: Đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng cho cơ thể, tham gia quá trình tạo máu và sự phát triển của tế bào, thúc đẩy chức năng của hệ thần kinh, tăng cường sức khỏe cho da và tóc,…
- Sắt, Kẽm, Magie có nhiều trong các loại thịt: Cần thiết cho quá trình phát triển của cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch.
- Sắt trong thịt là sắt hem, có giá trị sinh học cao, là dạng sắt dễ hấp thu.
- Thịt chứa nhiều Canxi nhất trong các loại thực phẩm, có nhiều trong các loại thủy sản và hải sản: Tham gia cấu tạo hệ xương răng chắc khỏe.
Nếu trẻ tự kỷ không ăn thịt sẽ ảnh hưởng như thế nào?
- Trẻ sẽ mất đi nguồn cung cấp chất đạm có giá trị dinh dưỡng cao chứa nhiều các acid amin thiết yếu với tỉ lệ cân đối mà thực vật không có, vì vậy nếu trẻ không ăn thịt, cơ thể trẻ sẽ không được cung cấp đủ các acid amin quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện.
- Trẻ sẽ mất đi nguồn cung cấp chất béo quý dồi dào đặc biệt là chất béo không no thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được từ nguồn hải sản, thủy sản.
- Trẻ có nguy cơ thiếu các Vitamin nhóm B đặc biệt là Vitamin B12 vì Vitamin B12 chỉ có trong thịt động vật, trứng và sữa.
- Trẻ sẽ mất đi nguồn cung cấp Sắt dồi dào, dạng sắt có giá trị sinh học cao, dễ hấp thu hơn sắt trong các loại thực phẩm khác.
- Trẻ sẽ mất đi nguồn cung cấp Canxi dồi dào, gây nguy cơ thiếu Canxi cho trẻ nếu không được uống sữa hoặc bổ sung hợp lý.
Trẻ tự kỷ nên ăn bao nhiêu gam thịt trong một ngày?
Cách đong: 10 gam thịt = 1 thìa cà phê thịt
- Đối với trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi:
- Từ 6 – 8 tháng: 20 – 30 gam thịt/ngày (2 – 3 thìa)
- Từ 9 – 12 tháng: 60 – 75 gam thịt/ngày
- Đối với trẻ từ 1 – 2 tuổi: 75 – 100 gam thịt/ngày
- Đối với trẻ từ 2 – 3 tuổi: 100 – 110 gam thịt/ngày
- Đối với trẻ từ 3 – 5 tuổi: 110 – 120 gam thịt/ngày
Lưu ý khi cho trẻ tự kỷ ăn thịt:
- Trẻ tự kỷ thường kén ăn kèm theo rối loạn cảm giác nên việc nhai nuốt thường khó khăn hơn. Trẻ thường có xu hướng không chịu cắn, xé thịt, không thích ăn thịt, nếu ăn thì chỉ ăn được thịt ninh nhừ, mềm, nhuyễn.
- Cha mẹ cần kiên nhẫn cho trẻ tập ăn từ từ, từng chút một, từ miếng nhỏ đến miếng to, từ mềm đến săn.
- Cho bé ăn đa dạng các loại thịt trong ngày, cho trẻ ăn cả thịt mỡ và thịt nạc, xen kẽ thịt động vật có chân và hải sản, thủy sản.
- Chế biến thịt đa dạng về hương vị, hình dạng, màu sắc để bé có hứng thú khi ăn, tạo cảm giác lạ miệng, ngon miệng.