Trẻ tự kỷ được coi là người khuyết tật và được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước không?

Trẻ em tự kỷ có được coi là người khuyết tật và được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội không? Đây là câu hỏi được rất nhiều phụ huynh quan tâm khi con mình được xác định rồi loạn phổ tự kỷ.

Trẻ tự kỷ có được xem là người khuyết tật?

Theo cách hiểu thông thường, tự kỷ là một hội chứng rối loạn phát triển, bao gồm những khiếm khuyết về khả năng tương tác xã hội, giao tiếp và những quan tâm, hoạt động bó hẹp, định hình. Tự kỷ có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, tuy nhiên phổ biến nhất là ở trẻ em.

Về người khuyết tật, khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010 định nghĩa như sau:

Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Tại khoản 1 Điều 3 Luật Người khuyết tật 2010, khuyết tật bao gồm: khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ và các khuyết tật khác.

Trong đó, khuyết tật thần kinh, tâm thần được xác định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.

Đối chiếu trẻ em tự kỷ với những quy định nêu trên thì có thể hiểu trẻ tự kỷ là người khuyết tật về thần kinh, tâm thần

Trẻ tự kỷ được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội nào đối với người khuyết tật?

Trẻ Tự kỷ có được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội của nhà nước không?
Trẻ Tự kỷ có được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội của nhà nước không?

Theo Điều 5 Luật Người khuyết tật 2010 thì người khuyết tật sẽ được hưởng các chính sách từ Nhà nước như sau:

Chính sách của Nhà nước về người khuyết tật
1. Hàng năm, Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện chính sách về người khuyết tật.
2. Phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật.
3. Bảo trợ xã hội; trợ giúp người khuyết tật trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể thao, giải trí, tiếp cận công trình công cộng và công nghệ thông tin, tham gia giao thông; ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em, người cao tuổi.
4. Lồng ghép chính sách về người khuyết tật trong chính sách phát triển kinh tế – xã hội.
5. Tạo điều kiện để người khuyết tật được chỉnh hình, phục hồi chức năng; khắc phục khó khăn, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng.
6. Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác tư vấn, chăm sóc người khuyết tật.
7. Khuyến khích hoạt động trợ giúp người khuyết tật.
8. Tạo điều kiện để tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật hoạt động.
9. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp trong việc trợ giúp người khuyết tật.

Về mức hưởng, căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP thì mức chuẩn trợ giúp xã hội hiện nay là 360.000 đồng/tháng.

Cụ thể các mức hưởng chính sách trợ giúp xã hội của trẻ em tự kỷ và người nuôi dưỡng tại Điều 6 Nghị định 20/2021/NĐ-CP bao gồm:

STT Đối tượng Hệ số hưởng Mức hưởng

(Đồng/tháng)

1 Trẻ em khuyết tật nặng 2,0 720.000
2 Trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng 2,5 900.000
3 Người đơn thân nghèo đang nuôi con là người khuyết tật Các mức hưởng từ 1-4

360.000 –

1.440.000

4 Hộ gia đình đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một người khuyết tật đặc biệt nặng 1,0 360.000
5 Hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một người khuyết tật đặc biệt nặng 1,5 540.000
6 Hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng 2,5 900.000

Như vậy, trẻ em tự kỷ và người nuôi dưỡng sẽ được hưởng các mức trợ giúp xã hội nào đối với người khuyết tật như trên.

Các chính sách khác mà trẻ em tự kỷ được hưởng là gì?

Ngoài mức hưởng trợ giúp xã hội hàng tháng nêu trên thì trẻ tự kỷ còn nhận được các chính sách hỗ trợ sau:

1. Ưu tiên nhập học và tuyển sinh

Căn cứ pháp lý: Điều 2 Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC

– Được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi;

– Hưởng chế độ tuyển thẳng vào trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng;

– Hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng khi đăng kí xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Hỗ trợ học phí

Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 85 Luật Giáo dục 2019, khoản 2 Điều 85 Luật Giáo dục 2019

– Được cấp học bổng chính sách;

– Trợ cấp và miễn, giảm học phí.

3. Chính sách học bổng

Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC

– Hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở;

– Được cấp học bổng 10 tháng/năm học khi đang học tập tại cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp;

– Được cấp học bổng 9 tháng/năm học khi đang học tập tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập;

Chính sách trên được áp dụng trừ các trẻ đang học tại các trường dạy nghề dành cho thương binh, người tàn tật, người khuyết tật.

4. Hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập

Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC

– Được hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập với mức 1.000.000 đồng/người/năm học;

– Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập mà cùng một lúc được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập khác nhau thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.

Như vậy, ngoài mức hưởng trợ giúp xã hội hàng tháng, trẻ em tự kỷ còn nhận được các chính sách hỗ trợ liên quan đến việc học tập như trên.

Nguồn Thư viện pháp luật

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *